Đất Chèo – Hưng Yên

Hưng Yên là cái nôi của nghệ thuật hát chèo. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa cho rằng nền nghệ thuật sân khấu, ca múa nhạc nước ta, trong đó có Hưng Yên, được hình thành từ rất sớm, đến đời Lý - Trần đã xuất hiện đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp có tài năng, trở thành chim đầu đàn của từng loại hình nghệ thuật biểu diễn.

 

Vở chèo “Chàng sỹ tử và hoa tình yêu” do các diễn viên nhà hát chèo Hưng Yên biểu diễn

Nghệ thuật chèo ở Hưng Yên ra đời trên nền dân ca, dân vũ và trò diễn ứng đối dân gian. Hưng Yên sản sinh ra nhiều tài năng như Sái Ất, Đào Văn Só, Đào Thị Huệ và Nguyễn Đình Nghị. Chính nhờ có họ mà nghệ thuật chèo được “tiền kế hậu thừa, nghìn thu cùng một tâm cơ” và chèo được định phận trong đời sống dân gian. Và đó cũng là 4 vị Tổ nghề được thờ cúng trong số 8 vị Tổ nghề của Kịch hát Việt Nam. Chèo là sản phẩm từ văn hóa dân gian, là món ăn tinh thần của nhân dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong hát chèo vừa có thơ, ca dao, vừa là trò diễn đậm phong vị dân gian. Nội dung của các vở diễn hầu hết nhằm trừ ác, khuyến thiện, phản ánh đời sống lao động, sinh hoạt, đời sống tình cảm, ước mơ của người nông dân. Nghệ thuật chèo giản dị, tinh hoa như chính những chủ nhân chân quê của nó.


Đối với nghệ thuật hát chèo thì nơi diễn thường là sân đình, nên gọi là chèo sân đình. Diện tích sân khấu để diễn chỉ cần đủ trải hai chiếc chiếu, nên dân gian gọi là chiếu chèo. Mọi thứ trang phục, đạo cụ… được xếp gọn trong hai cái hòm. Khi chuyển địa điểm diễn, mọi đạo cụ, đồ nghề đều toòng ten trên hai đầu đòn gánh, trên vai người nghệ sĩ nên gọi là gánh chèo. Hòm đựng đồ đồng thời là đạo cụ sân khấu, khi diễn có thể được ước lệ là mô đất, núi non hay ngai vàng, là không gian ngăn cách… Mỗi gánh chèo có một người đứng đầu gọi là Trùm. Gánh chèo tuy diễn mùa vụ nhưng đã có phân biệt nguồn thu nhập cao, thấp, kép chính, kép phụ, đào chính, đào phụ… như nhóm nghề phường hội. Chính vì tổ chức như vậy dân gian thường gọi là phường chèo.

Chèo cổ diễn trên chiếu ở sân đình. Người diễn khi là diễn viên, khi là nhạc công và ngược lại. Họ đôi khi đồng thời vừa ở trên sân khấu, vừa ở xung quanh làm khán giả. Cái sân khấu ước lệ ấy được quây kín bốn bề bởi những người xem. Để buổi diễn được tiến hành một cách dễ dàng, họ phải làm việc đầu tiên là dẹp đám, giành lấy một khoảng trống đủ trải vừa chiếc chiếu cỡ lớn mà diễn trò. Không có phương tiện phóng thanh, thật khó báo cho người xem biết buổi biểu diễn bắt đầu. Thế là trống, mõ, thanh la, não bạt… tha hồ thi nhịp. Đến chừng mực nào đấy, sân khấu đã được mở, người xem đỡ ồn ào thì các loại đệm đang thi nhịp tự nguyện nhường quyền chiếm lĩnh khán giả cho giàn hát đế. Lối thi nhịp và hát múa dẹp đám của chèo được sử dụng từ lâu. Trong những câu hát hoặc nói sử thường có trống chầu và dàn đế phụ họa tạo nên không khí hội hè, đình đám. Tiếng đế được ứng diễn tự nhiên như lối ứng diễn chèo. Người diễn gọi người xem, hỏi người xem có nên xưng danh không hay có, nên nói vấn đề nào đó không? Người diễn khêu gợi sự tò mò của người xem bằng cách nói lái, hoặc chơi chữ buộc người xem hỏi lại. Sự hỏi đáp giữa người diễn và người xem quanh cái sân khấu không xuất hiện ranh giới trong biểu diễn ấy, thật khó phân định được đâu là người thưởng thức, đâu là người sáng tạo nghệ thuật.


Hưng Yên là đất chèo, cái nôi của nghệ thuật chèo nên giai điệu chèo đã ngấm trong máu mỗi người từ đời này sang đời khác. Truyền thống nghệ thuật hát chèo từ Sái Ất, Đào Văn Só, Đào Thị Huệ và Nguyễn Đình Nghị, những người có công sáng tạo nghệ thuật chèo nay có dịp tỏa sáng rực rỡ. Những nghệ sỹ nhân dân Hoa Tâm, Hoàng Lan, Mạnh Tưởng, và nghệ sỹ sáo chèo độc nhất vô nhị Lê Văn Ly là những bông hoa đẹp của nghệ thuật chèo Hưng Yên hiện đại từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay.






TIN BÀI LIÊN QUAN