Đoàn thí sinh dự thi Hoa hậu thế giới Việt Nam năm 2019 dâng hương tại Văn Miếu Xích Đằng
Đây là Văn Miếu hàng tỉnh, nơi đây từng diễn ra các kỳ thi Hương và ghi danh các nhà khoa bảng của Trấn Sơn Nam xưa (nay là tỉnh Hưng Yên và Thái Bình). Văn Miếu là nơi tôn thờ Khổng Tử và các bậc hiền triết nho gia.
Khổng Tử (551 - 479 TCN) ông sinh ở nước Lỗ, là người đặt nền móng cho học thuyết Nho gia.Ông là người học cao hiểu rộng, nghiên cứu các loại kinh, thi, thư,...Ông được tôn là "Vạn thế sư biểu" (người thầy tiêu biểu của muôn đời). Tư tưởng của ông có ảnh hưởng sâu rộng đến tầng lớp tri thức Việt Nam thời phong kiến. Phối thờ cùng với Khổng Tử là thầy giáo Chu Văn An (1292-1370) người làng Thanh Liệt, nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội. Ông là nhà sư phạm tài năng đức độ thời Trần, từng giữ chức Tư Nghiệp trường Quốc Tử Giám dạy học cho con em trong hoàng tộc. Ông được triều đình ban tặng là "Khang tiết tiên sinh" (người có khi tiết thanh cao, trong sáng).
Văn Miếu được khởi dựng từ thời Lê, đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839) được trùng tu lại với quy mô to đẹp, bề thế như ngày nay.
Từ ngoài đi vào là Nghi môn có gác lên lầu, có thể bao quát được phong cảnh một vùng của thành phố. Tam quan được làm kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, đây là công trình cũ được giữu nguyên vẹn từ khi xây dựng cho đến nay. Ngày nay, tam quan Văn Miếu được chọn là biểu tượng của tỉnh Hưng Yên.
Tiếp đến là khoảng sân rộng, xưa kia đã từng diễn ra các kỳ thi Hương hoặc là nơi sát hạch thí sinh đi dự thi Hương. Hai dãy nhà tả vu, hữu vu – trước đây là nơi để kiệu, mũ áo của các quan mỗi kỳ tế lễ, nay là phòng trưng bày những hình ảnh về nền giáo dục Hưng Yên xưa và nay.
Khu thờ chính được xây dựng liền kề theo lối " Trùng thềm điệp ốc" mang dáng dấp cung đình Huế, có kết cấu hình chữ Tam gồm: tòa Tiền tế, tòa Trung từ là nơi đặt ban thờ và tượng thầy giáo Chu Văn An, tòa Hậu cung là nơi bài trí ban thờ Đức Thánh Khổng Tử cùng ban thờ Tứ Phối, mỗi tòa có 5 gian, kết cấu các bộ vì kiểu kèo cầu trụ trốn đơn giản.
Hiện nay, Văn Miếu còn lưu giữ một số hiện vật quý, có giá trị nhất là 9 tấm bia đá trong đó 8 được dựng năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), 1 tấm dựng năm Bảo Đại thứ 18 (1943) ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam xưa (tỉnh Hưng Yên có 138 vị). Ngoài ra, còn có khánh đá, chuông đồng niên đại Gia Long tam niên (1804), 2 pho tượng đồng của Khổng Tử và thầy giáo Chu Văn An cùng nhiều câu đối, đại tự .
Văn Miếu Xích Đằng được Bộ Văn hóa – Thông tin (Nay là Bộ VH,TT&DL) công nhận là di tích "lịch sử " cấp Quốc gia vào năm 1992. Đến năm 2014, Văn Miếu là 1 trong 16 di tích thuộc di tích quốc gia đặc biệt "Khu du tích Phố Hiến".
Du xuân, chiêm bái tại Văn Miếu, du khách sẽ được xin chữ thư pháp từ các ông đồ già để cầu cho một năm mới thuận lợi, bình an và may mắn hay thưởng thức nghệ thuật hát ca trù,...cũng là một trong những hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống được lưu truyền đến ngày nay.
Nguyễn Huệ - TTXTDLHY