Mùa xuân e đi trẩy hội,
Mưa bụi giăng giăng mờ sương.
Nón thúng quai thao nghiêng đợi,
Yếm đào duyên dáng người ơi.
Những câu hát trong ca khúc trữ tình “Khúc Giao Duyên” vang lên khắp mọi nẻo đường, ngõ xóm mỗi dịp tết đến, xuân về. Đến với Hưng Yên trong những ngày này, bạn sẽ được hòa mình vào những lễ hội truyền thống mang đậm nét bản sắc văn hóa của mảnh đất và con người nơi đây như Lễ hội Làng Nôm, Lễ hội đền Phù Ủng hay Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung… Đến đây, bạn còn được cảm nhận không khí lễ hội khắp các nẻo đường rộn ràng cờ hoa, chiêng, trống và tìm hiểu về những phong tục tập quán đặc sắc của những người dân “Tiểu Tràng An”.
Múa rồng trước cổng Tam Quan – Chùa Nôm
Lân, rồng múa nhịp trên chiếc Cầu Đá 9 nhịp đầu rồng vài trăm năm tuổi
Hàng năm, đã trở thành tục lệ và hương ước của làng, lễ hội làng Nôm diễn ra trong 3 ngày, từ ngày mồng 10 đến ngày 12 tháng Giêng âm lịch tại làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm. Đây là một ngôi làng Việt cổ của Hưng Yên nói riêng và của cả Bắc Bộ nói chung. Trong ngày hội làng, đàn ông trong làng đến tuổi 55 được khao lão, người đi xa không về thì phải nộp lệ trình làng. Từ ngày hôm trước diễn ra lễ hội, dân làng Nôm đã tổ chức lễ “Bao sái” – Lễ rước nước từ giếng đá chùa về đình để các bô lão “tắm rửa” cho thánh. Theo các cụ cao niên, lễ bao sái nhằm mục đích rửa sạch bụi trần năm trước để chuẩn bị tinh thần tốt hơn cho việc khao quân, chuẩn bị ra trận trong năm mới của Đức Thánh Tam Giang. Chính hội, đúng 8 giờ sáng ngày 12, tại hội trường đình Tam Giang, đại diện chính quyền xã Đại Đồng, làng Nôm cùng đông đủ các cụ cao niên, người dân, các dòng họ trong làng, người làng Nôm xa quê và nhiều du khách đến dự. Sau các nghi lễ tại đình làng, các dòng họ ở làng Nôm trở về tổ chức các nghi lễ và dâng hương tại nhà thờ họ của mình. Nếu bạn đến làng Nôm xem hội, bạn có thể thưởng thức khung cảnh hữu tình hát Quan họ du thuyền trên ao làng, rồi cùng nhau đi vãn cảnh Chùa Nôm, thỉnh Phật, Thánh cầu bình an, xin quẻ may mắn đầu năm.
Lễ hội đền Ủng- Ân Thị
Cùng thời gian tổ chức Lễ hội làng Nôm chính là lễ hội đền Phù Ủng (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi). Lễ hội đền Phù Ủng được tổ chức từ ngày 25 tháng Chạp đến hết ngày 23 tháng Giêng hàng năm, chính hội từ ngày 11 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao của tướng quân Phạm Ngũ Lão – một danh tướng thời Trần, người có công đánh đuổi giặc Nguyên Mông và Ai Lao. Lễ hội đầu xuân đền Phù Ủng ngày nay vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa độc đáo, được bảo tồn trong cả phần lễ và phần hội như Lễ mộc dục (Lau rửa đồ tế khí, tắm tượng), lễ chúc thánh đêm giao thừa, lễ khai xuân sáng mồng 1 Tết rước bằng sắc của tướng quân Phạm Ngũ Lão từ trong thôn đền. Đặc sắc nhất phải kể đến là lễ rước kiệu cung phi (công chúa Tĩnh Huệ) từ đền về trong lăng Phạm Tiên Công (trình ông) sau đó rước về đền chính (trình cha) với cờ, quạt, kiệu, bát bửu, lộ bộ. Ngoài ra, khi bạn đến đây, bạn có thể tự mình trải nghiệm những trò chơi dân gian thể hiện tinh thần thượng võ của tướng quân Phạm Ngũ Lão như trò vật cù hay nhẩy mô đống.
Múa rồng tại lễ hội Chử Đồng Tử- Tiên Dung
Một trong những lễ hội lớn nhất ở Hưng Yên phải kể đến ở đây chính là lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung, hay còn gọi là lễ hội tình yêu. Lễ hội diễn ra nhằm tôn vinh công lao của đức thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân đã có công giúp dân làng mở mang bờ cõi, chữa bệnh cứu người và tưởng nhớ tới một truyền thuyết về tình yêu bất tử. Hàng năm, lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung được diễn ra tại Đền Đa Hòa huyện Khoái Châu từ ngày mồng 10 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch. Đây không chỉ là một lễ hội tình yêu độc đáo nhất cả nước mà còn là bài ca về lòng hiếu thảo và đạo làm người, là minh chứng của nền văn minh lâu đời của dân tộc Việt Nam. Nghi thức độc đáo nhất lễ hội là nghi thức rước nước từ sông Hồng về lễ thánh. Theo tục lệ, nước được dùng để cúng phải là nước lấy ở giữa sông Hồng. Người đại diện cho dân làng lấy nước là cụ già có đức độ trong làng. Đám rước uy nghi, với rồng vàng dẫn đầu hội rước cờ, trống, phường bát âm, múa sênh tiền… Sau khi lấy nước ở sông Hồng về, các kiệu trở về đền hoá lễ thánh. Khắp trong ngoài khu đền, bà con, du khách gần xa nô nức trẩy hội. Có thể nói, lễ hội Chử Đồng Tử đã tái hiện một cách sinh động đời sống văn hóa của người Việt cổ vùng đồng bằng Châu thổ sông Hồng.
Lễ hội văn hóa dân gian vùng Phố Hiến Xuôi dòng thời gian đến với tháng ba mùa hoa nhãn, về với thành phố Hưng Yên, bạn sẽ được tham gia vào Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến, được tổ chức từ ngày mồng 6 đến ngày mồng 8 tháng Ba âm lịch. Với việc phục dựng và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng, những trò chơi dân gian truyền thống, Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến đã tái hiện lại nếp sống, nếp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân Phố Hiến từ xa xưa, với cảnh tấp nập “trên bến, dưới thuyền”, sự phồn hoa đô hội của thương cảng Phố Hiến một thời. Tại lễ hội, các hoạt động thuộc phần lễ đang được thành phố Hưng Yên nỗ lực phục dựng lại các nghi thức tế, lễ truyền thống nhằm tạo không gian văn hóa riêng. Phần hội là các hoạt động sôi nổi, náo nhiệt với những trò chơi dân gian như: Đi cầu Kiều, kéo co, thả diều sáo, chọi gà, thả diều sáo… Đến với Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến, bạn sẽ được trải nghiệm, khám phá các giá trị văn hóa lịch sử, thưởng thức các đặc sản ẩm thực nổi tiếng (mật ong, long nhãn…), tận hưởng không khí trong lành, yên bình của một mảnh đất được mệnh danh là “xứ nhãn”.
Lễ hội đền Đậu An
Thêm một địa chỉ lễ hội nữa bạn không nên bỏ qua khi tìm về Hưng Yên là lễ hội đền Đậu An, được tổ chức từ ngày mồng 6 đến ngày 12 tháng 4 âm lịch tại đền Đậu An, xã An Viên, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Nét đặc sắc của lễ hội là phần rước kiệu thờ Thiên Tiên, Địa Tiên và phần biểu diễn sự tích đánh Hổ, diệt trừ thú dữ, bảo vệ mùa màng, mang lại hạnh phúc ấm no về cho dân làng. Tích trò đánh hổ không chỉ mang lại sự hào hứng, tò mò cho người xem mà còn mang đậm tính chất thiêng liêng. Vì vậy mà, cành Si, lá Si cũng trở thành vật may mắn, mang may mắn và điềm lành về cho gia đình.
Đến với Hưng Yên vào mùa lễ hội, bạn sẽ được tham quan, chiêm bái những ngôi đền, đình, chùa cổ kính, linh thiêng và trải nghiệm những lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu cho nền văn minh lúa nước sông Hồng. Về với Hưng Yên là tìm về với nguồn cội của những giá trị văn hóa cốt lõi đặc sắc, đậm đà bản sắc của mảnh đất và con người Hưng Yên nói riêng cũng như của vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng nói chung. Hãy một lần về với Hưng Yên để cảm nhận và trải nghiệm, chắc chắn bạn sẽ khám phá được nhiều điều thú vị và đáng nhớ trong chuyến hành trình tìm về với cội nguồn văn hóa của mình./.
TTTTXTDLHY