Ca trù là loại hình nghệ thuật truyền thống của miền Bắc, được xuất hiện và thịnh hành từ khoảng thế kỷ XV (thời nhà Lê) sau khi Đinh Lễ sáng chế ra cây đần Đáy. Sang đầu thế kỷ XX, ca trù trở nên rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, Ca trù đã ngày càng xâm nhập vào hầu hết các mặt của đời sống và khẳng định tư cách độc lập và độc đáo của ca trù trong bức tranh chung của văn hóa dân tộc Việt Nam.
Nghệ thuật Ca trù diễn ra trong các không gian văn hóa như: ở đình làng, đền thờ thần, nhà thờ tổ nghề, dinh thự và ca quán thính phòng. Cùng với đó là các hình thức hát thờ, hát thi, hát tế tiên sư, hát chơi, không những đóng góp vào sinh hoạt của cộng đồng làng xã, của giới trí thức mà còn góp phần vào các hoạt động lễ tiết của nhà nước trong khuôn khổ của việc đón tiếp ngoại giao. Quá trình này gắn liền với hoạt động của tổ chức giáo phường, cũng như các nét đẹp trong sinh hoạt và quan hệ trong các giáo phường Ca trù.
Ca trù được bắt nguồn từ dân ca, dân nhạc cộng với một số trò diễn và múa dân gian. Ca trù lúc khởi thủy cũng như trong một thời gian khá dài là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp, bao gồm nhạc, thơ, múa và trò diễn. Vì vậy độc đáo của ca trù chính là sự phối hợp đa dạng, nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc, đôi khi có cả múa. Tuỳ từng địa phương, từng không gian diễn xướng mà hát Ca trù còn được gọi là hát ả đào, hát cửa đình, hát cửa quyền, hát cô đầu, hát nhà tơ, hát nhà trò hay hát ca công.
Ca trù là dạng nghệ thuật biểu diễn dùng nhiều thể văn chương như thể phú, thể truyện, thể ngâm… nhưng phổ biến nhất là hát nói. Hát nói xuất hiện sớm nhưng phải đợi đến đầu thế kỷ thứ 19 mới có những tác phẩm lưu truyền đến ngày nay như các tác phẩm của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… Nguồn gốc của thể Hát nói trong văn chương Việt Nam được giải thích bằng những nguyên nhân và các sự việc. Hát nói là sự phàm tục hoá những thể thánh ca. Trước khi có Hát nói, ở Việt Nam đã có những bài hát xoan, hát cửa đền, cửa chùa. Hát nói là sự cụ thể hoá ảnh hưởng của tư tưởng Lão-Trang. Xưa kia văn chương Việt Nam về nội dung phải gò bó trong những tư tưởng – Mạnh, về hình thức phải đem theo những quy luật khắt khe, những lối diễn tả nhất định. Cuối thế kỷ thứ 18, do hoàn cảnh rối ren trong xã hội, tư tưởng Lão – Trang có cơ hội bành trướng và hát nói chính là sáng tạo của các nhà nho phóng khoáng, thích tự do, ở đấy họ có thể gửi gấm những tư tưởng, cảm xúc vượt ra ngoài khuôn phép với cách diễn đạt cởi mở, rộng rãi hơn; Hát nói là biến thể của song thất lục bát. Các nhà viết sách thời xưa cho rằng Hát nói là một hình thức biến đổi của thể ngâm Song thất lục bát: Trong hát nói có Mưỡu là những câu thơ lục bát, nhiều câu 7 chữ có vần bằng, vần trắc, có cước vận, yêu vận. Nhưng khi đã phát triển, Hát nói là một thể tài hỗn hợp gồm: thơ, phú, lục bát, song thất, tứ tự, nói lối…, là lối hát thông dụng và có tính văn chương lý thú nhất.
Ca trù sử dụng ba nhạc khí đặc biệt, là đàn Đáy, Phách và Trống Chầu. Đây là một bộ môn nghệ thuật ca nhạc “thính phòng”, được hình thành trên nền tảng âm nhạc dân gian Bắc Bộ. Người nghe cũng tham gia vào cuộc hát bằng việc cầm chầu. Một chầu hát cần có ba thành phần chính: Một nữ ca sĩ gọi là “đào” hay “ca nương”, sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp; một nhạc công nam giới gọi là “kép”, chơi đàn đáy phụ họa theo tiếng hát; người thưởng ngoạn gọi là “quan viên”, thường là tác giả bài hát, đánh trống chầu chấm câu và biểu lộ chỗ đắc ý bằng tiếng trống. Vì là nghệ thuật âm nhạc thính phòng, không gian trình diễn ca trù có phạm vi tương đối nhỏ. Đào hát ngồi trên chiếu ở giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Khi bài hát được sáng tác và trình diễn ngay tại chỗ thì gọi là “tức tịch,” nghĩa là “ngay ở chiếu”.
Đến năm 2009, ca trù được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Văn hóa ca trù trải khắp 16 tỉnh thành ở nửa phía bắc bao gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, còn ở miền Nam có Tp Hồ Chí Minh. Trong đó có một số câu lạc bộ tiêu biểu như: Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê, CLB Ca trù Thăng Long, CLB Ca trù thôn Chanh (Phú Xuyên), CLB ca trù Hà Nội, ở Bắc Ninh có CLB Ca trù Thanh Khương (Thuận Thành), CLB Ca trù Tiểu Than (Gia Bình) và CLB Ca trù Đông Tiến (Yên Phong)…
Hưng Yên là một trong những cái nôi của nghệ thuật ca trù. Sách “Việt sử tiêu án” của Ngô Thời Sĩ viết:” Đời Vua Lý Thái Tổ ( 1010-1028) có người ca nhi là Đào thị tài nghệ giỏi và hát hay, từng được nhà vua ban thưởng, phong người ta một danh tiếng Đào thị nên con hát đều gọi là Đào Nương” .Sách” Công Dư Tiệp Ký” có ghi, vào cuối đời nhà Hồ (1400-1407) có người ca nhi họ Đào, tên là Đào Thị Huệ, quê ở làng Đào Đặng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, nay là thôn Đào, xã Trung Nghĩa, Tp Hưng Yên, lập mưu giết được nhiều binh sĩ nhà Minh, cứu cho khắp vùng yên ổn. Khi nàng chết dân làng nhớ ơn lập đền thờ, gọi thôn nàng ở là thôn Ả Đào. Về sau những người làm nghề ca hát như nàng đều gọi là Ả đào. Ả đào là thành viên quan trọng của tiệc ca trù, vai trò của ả đào là làm ca sĩ cho tiệc hát nhưng khác với các ca sĩ khác là vừa hát vừa gõ phách. Ca nương Đào Thị Huệ được coi là vị tổ nghề của nghệ thuật hát ca trù.
Hiện nay, ở Hưng Yên cũng có những CLB hát ca trù tiêu biểu như: CLB ca trù xã Bình Minh huyện Khoái Châu, CLB ca trù Giáo Phòng xã Vĩnh Khúc huyện Văn Giang, CLB ca trù Đào Đặng xã Trung Nghĩa, Tp Hưng Yên. Riêng CLB ca trù Đào Đặng đến nay đã tạo được chỗ đứng trong lòng công chúng, có 28 thành viên. Ngoài việc tập luyện, CLB ca trù Đào Đặng còn tham gia cuộc thi Liên hoan hát ru, hát dân ca của tỉnh tổ chức năm 2014 và đạt giải nhì, sau đó tiếp tục tham gia cuộc thi Liên hoan hát ru, hát dân ca và cổ truyền khu vực phía Bắc được tổ chức tại Bắc Ninh. Ở hội thi này, Câu lạc bộ đạt giải Bạc. Tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2014 do Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch phối hợp với Học viện Âm nhạc Quốc gia tổ chức, với sự tham gia của hơn 100 tiết mục, đoàn Hưng Yên có 19 diễn viên, tất cả đều đến từ Câu lạc bộ ca trù Đào Đặng. Đoàn đã đoạt một Huy chương Đồng do ca nương Đỗ Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Vũ Thị Điểu, kép đàn Xuân Thể, Trống chầu Đức Hoàng biểu diễn. Đặc biệt, đoàn Hưng Yên dành một giải cho thành viên nhỏ tuổi nhất là cháu Dương Tiến Lâm, 5 tuổi. Nghệ nhân Đỗ Thị Thanh Nhàn, chủ nhiệm Câu lạc bộ đã được UBND tỉnh xét duyệt hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phong tặng nghệ nhân ưu tú đợt 1 năm 2015.
Tỉnh Hưng Yên đang triển khai chương trình “Bảo vệ di sản hát ca trù giai đoạn 2014-2020” nhằm tiếp tục khôi phục, giữ gìn và phát triển những giá trị đặc sắc về phong tục tập quán tốt đẹp, lề lối sinh hoạt văn hóa; đồng thời nâng cao nhận thức, lòng tự hào về việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa hát ca trù trên địa bàn tỉnh; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Các câu lạc bộ trên địa bàn Tp Hưng Yên, huyện Khoái Châu, huyện Văn Giang thường xuyên tổ chức biểu diễn ca trù, trống quân để quảng bá, đồng thời phục vụ du khách theo tuyến du lịch sông Hồng, sau đó nhân rộng trong toàn tỉnh.
Các CLB duy trì sinh hoạt, luyện tập thường xuyên để nâng cao chất lượng nghệ thuật, đủ khả năng trình diễn phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, ngành văn hóa tổ chức các lớp học, lớp tập huấn nhằm phổ biến kiến thức và truyền dạy, nâng cao trình độ cho các thành viên của các câu lạc bộ và hạt nhân văn nghệ của một số địa phương trong tỉnh. Khôi phục sinh hoạt hát, tế cửa đình để trình diễn phục vụ lễ hội tại các di tích, chú trọng các địa phương đã có truyền thống hát ca trù; tổ chức trình diễn tại các lễ hội, hội thi, liên hoan hàng năm do tỉnh tổ chức… Hưng Yên nói riêng và cả nước nói chung, mặc dù đã có nhiều cố gắng và có sự hỗ trợ của một số tổ chức Quốc tế trong việc bảo vệ Ca , song sức sống của Ca trù hiện nay vẫn chưa phải ở mức cao và vẫn cần phải được bảo vệ hơn nữa để phát triển khả năng tồn tại. Vì vậy khi nhận được vinh dự tự hào, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn lợi ích, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người, của toàn xã hội trong việc bảo vệ tài sản văn hóa quý báu mà cha ông ta đã để lại.