Thi bơi trải là một phần của lễ hội truyền thống tại Hưng Yên

Thi bơi trải là một phần của lễ hội truyền thống của một vùng quê sông nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho người người an cư lạc nghiệp, là trò chơi gắn với tín ngưỡng truyền thống, tín ngưỡng phồn thực, in đậm dấu ấn văn hóa sông nước, văn hóa của […]

Thi bơi trải là một phần của lễ hội truyền thống của một vùng quê sông nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho người người an cư lạc nghiệp, là trò chơi gắn với tín ngưỡng truyền thống, tín ngưỡng phồn thực, in đậm dấu ấn văn hóa sông nước, văn hóa của nền văn minh lúa nước sông Hồng. Chính vì lẽ ấy mà thi bơi trải có rất nhiều ở lễ hội Hưng Yên như: hội đền Đa Hòa, đền Hóa – Yên Vĩnh , Trà Phương (huyện Ân Thi), An Xá, Thổ Cầu (huyện Kim Động), thi bơi trải dịp 2/9 tại hồ Bán Nguyệt (T.P Hưng Yên)… Thi bơi trải hay còn gọi đua thuyền có ở rất nhiều nơi, khắp các tỉnh, nguồn gốc của bơi trải là nghi lễ cầu nước, cầu mưa theo tục thờ thủy thần của cư dân nông nghiệp và sau là ôn lại cách sử dụng thuyền chiến đánh giặc của ông cha từ xa xưa.
Trải là chiếc thuyền bằng gỗ được trang trí cầu kỳ như những vật thiêng mang biểu tượng thần nước: Đầu rồng đuôi tôm hoặc giống hình thuyền trên trống đồng Ngọc Lũ của văn hóa Đông Sơn, hoặc đầu giao long đuôi tôm, đầu rồng đuôi rồng mang văn hóa Việt nho. Mái chèo trải rộng bản từ 10 – 15 phân, cán ngắn, vừa tầm tay nên khi bổ xuống nước (biểu trưng cho âm) mới ngọt mái.

Thủy thủ đoàn bao giờ cũng là số chẵn (số biểu trưng cho âm) như 12, 14, 16, 20 người, tùy từng loại thuyền to nhỏ, miễn sao vừa trọng tải của hai hàng người ngồi cân hai bên . Cuối thuyền là người đứng cầm lái điều chỉnh con trải đi thẳng, quay phải, quay trái, vòng lại đúng hướng không mất nhiều thời gian. Giữa thuyền là người cầm trống khẩu gõ nhịp chỉ huy. Theo nhịp trống  thủy thủ hai tay cầm chắc mái chèo bổ sâu xuống nước, khoảng 50cm, kéo mạnh về phía sau, nhấc trèo lên bổ tiếp, đều phăm phắp, nhịp nhàng. Con trải vọt tiến băng băng, bay lên mặt nước theo tiếng trống, tiếng reo của người trên bờ. Trước đây hội đình Võng Phan tổ chức bơi trải thường bơi ba ngày: Ngày đầu bơi thờ, ngày thứ hai bơi dạo, ngày thứ  ba bơi thi. Về sau hội làng giản lược, tổ chức bơi thi trong một ngày.
Bơi trải trong những lễ hội truyền thống trước kia mang nhiều màu sắc tâm linh, như ở hội đình Võng Phan, trải về nơi bày hương án tế thần sông, thủy thủ đoàn cho thuyền lượn thêm một vòng trước bến, đồng loạt gõ chèo vào mạn. Tiếng gõ cộng với tiếng trống âm vang khắp mặt sông như tiếng sấm gọi mưa. Trước khi dừng thủy thủ dùng mái chèo té nước lên không trung giống một trận mưa nặng hạt.
Âm thanh và động tác té nước của thủ thủ đoàn làm thần Nước dưới sông tỉnh giấc, thần nghe rõ tiếng xin nước của dân làng. Cuộc bơi được hưởng ứng nhiệt tình bằng tiếng trống thúc, tiếng chiêng dồn, tiếng hò reo của người xem nơi con trải đi qua. Họ đứng kín hai bờ sông, cổ vũ khuấy động thức tỉnh thần hà bá ban nước cho đồng ruộng, làm mưa thuận gió hòa. Đây cũng là dịp thử sức bền, sức dẻo, sự phối hợp nhịp nhàng của những tay trải và là dịp trai tráng trong làng làm quen sông nước, nhất là khi được tham gia các đội thủy cơ đi đánh giặc. Khí thế hừng hực của các đội bơi cùng tinh thần cổ động náo nhiệt của người xem cho thấy sức mạnh của dân tộc ttrong việc chinh phục thiên nhiên, chinh phục dòng sông, chinh phục nguồn nước.

TTTTXTDLHY

 






TIN BÀI LIÊN QUAN