Chơi đu ngày xuân

Mỗi độ tết đến xuân về, ở mỗi miền quê Việt Nam thường tổ chức lễ hội Xuân cầu mong 1 năm mới ấm no, hạnh phúc. Trong ngày hội vui ấy không thể thiếu những trò chơi dân gian, bản sắc riêng của những địa phương ấy. Trò chơi dân gian ngày xuân, không […]

Mỗi độ tết đến xuân về, ở mỗi miền quê Việt Nam thường tổ chức lễ hội Xuân cầu mong 1 năm mới ấm no, hạnh phúc. Trong ngày hội vui ấy không thể thiếu những trò chơi dân gian, bản sắc riêng của những địa phương ấy. Trò chơi dân gian ngày xuân, không chỉ mang tính chất vui chơi giải trí, mà đằng sau còn có ý nghĩa tâm linh, ý nghĩ nhân văn, là món ăn tinh thần của người dân Việt, là nét văn hóa độc đáo trong kho tàng dân gian Việt Nam.

Ở Hưng Yên hàng năm vào dịp tết Nguyên Đán hoặc hội làng như hội đình: Duyên Yên, Nho Lâm, Bông Thượng ( huyện Kim Động – Hưng Yên), Hội làng Bến, làng Phú Thị, Công Luận ( Văn Giang – Hưng Yên), hội làng Xuân Lôi, Cát Lư, Ngọc Quỳnh ( Văn Lâm – Hưng Yên…thường tổ chức chơi đu. Làng chọn địa điểm rộng làm nơi trồng cây đu. Giá đu phải dùng tới sáu cây tre nhưng dân gian vẫn gọi là cây đu. Thông thường làng dựng một cây, có làng đặt ba cây đu mới đủ chỗ chơi cho trai gái về dự hội.
Muốn làm đu phải dùng 6 cây luồng thanh dài (hoặc 6 cây tre đực thẳng). Chụm đầu ba cây tre lại làm cột. Cây đu có hai cột, chân cột nọ cách chân cột kia 1,5m – 2m. Phía ngọn, chỗ giao điểm buộc một đoạn tre làm nóc. Khi chôn cột đu cần lưu ý cây giữa bên tả phải đối diện cây giữa bên hữu. Đến lúc buộc nóc, hai bên đăng đối sẽ tăng thêm giá trị thẩm mỹ và tạo sự cân bằng cho giá đu. Cây nóc cách mặt đất khoảng 4-  5m, treo hai (hoặc ba) tầng mõ. Mõ ba tầng cần tám đoạn tre( hoặc tám đoạn gỗ), mỗi đoạn dài tầm 0,6m đục lỗ hai đầu để luồn con sỏ. Tầng mõ thứ nhất, thứ ba  dùng ba đoạn, tầng mõ thứ hai – hai đoạn và cuối cùng là ròng rọc, nếu làm hai tầng mõ như hội đình làng Duyên Yên chỉ cần 5 đoạn gỗ là đủ. Nối các đoạn mõ và ròng rọc bằng những sỏ tre và gỗ cứng. Hai cây rọng rọc nên chọn tre bánh tẻ đem nướng chín, nối một đầu với tầng mõ thứ 3( hoặc thứ hai nếu làm hai tầng mõ), đầu còn lại nối với bàn đứng bằng gỗ. Để đảm bảo an toàn, phòng khi ròng rọc không chịu nổi sức nặng của hai người chơi, người ta tách cây tre làm đôi buộc giữ phía đầu hai cây ròng rọc. Ngày nay làng Duyên Yên có sáng kiến dùng hai tuýp nước làm ròng rọc và hàn thêm 2 mấu sắt làm tay cầm cho khỏi trơn trượt. Cột nâng giá đu được lèn chặt, ngọn cây buộc chắc vào nhau mới cho người đu thử, thử xong chỗ nào buộc chưa chắc thì buộc thêm, thậm chí đóng cọc giữ cột mới cho khách lên đu.
Chơi đu có đu đơn và đu đôi. Muốn đu đơn, người chơi chạy ba bước lấy đà rồi nhảy lên bàn đu, chân đứng rộng bằng vai, hai tay bám vào hai ròng rọc và nhún đu. Đu sẵn đà, chỉ cần trùng người xuống, dướn người lên nhịp nhàng là cánh đu mỗi lúc một cao. Đu giỏi, người chơi có thể đưa đu cao ngang ngọn cây chống. Đu bay thành đường cong trên không trung chạm phải lụa màu phất phơ trên đầu cột là đạt yêu cầu.
Đu đôi, chân hai người xen kẽ, đứng quay mặt vào nhau tay nắm cây ròng rọc. Lúc đầu phải nhờ người đẩy giúp lấy đà, hai người phối hợp nhún theo cho cây đu di chuyển, tung đi tung lại theo tiếng hò reo cổ vũ của người xem. Đu đôi phải một nam một nữ mới đẹp. Cặp trai gái ăn mặc trang phục ngày hội – nam áo lương thanh cát hoặc màu quỳ, quần trắng ống sớ; nữ yếm thắm, áo hoa đào, hoa lý mớ ba mớ bảy, thắt lưng hoa hiên – lên giá cùng nhún đu bay lên. Đu bổng tà áo bay lên mới thấy sắc màu rực rỡ của mùa xuân.
Nhún đu là trò chơi vui khỏe, rèn luyện lòng dũng cảm, có giá trị tạo hình mang tính thẩm mỹ cao. Đi hội, nam thanh nữ tú mượn cây đu để gặp mặt tìm duyên. Trên giá đu trẻ già trai gái đều có bạn. Cội nguồn của ý tưởng chơi đu là tục cầu thần mặt trời, mặt trăng trong lễ hội phồn thực của cư dân nông nghiệp. Chơi đu là dịp để con người phô diễn vẻ đẹp hình thể nam – nữ, vẻ đẹp văn hóa trang phục nhằm tôn vinh giá trị văn hóa, cầu mong con người và vật sinh sôi, phát triển.

 TTTTXTDLHY






TIN BÀI LIÊN QUAN