Lễ hội ông Đùng bà Đà làng An Xá

Tại thôn An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên hiện còn lưu giữ một ngôi đền mang tên đền An Xá hay còn gọi là đền Đậu An. Vị trí của ngôi đền cách thành phố Hưng Yên khoảng 12km, nơi đây thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Thiên Tiên, Địa Tiên cùng Ngũ lão tiên ông.

Theo thần phả thì Thiên Tiên là Tây Vương Phụ, Địa Tiên là Tây Vương Mẫu được Ngọc Hoàng Thượng Đế phái xuống hướng dẫn nhân dân khai phá vùng sình lầy, dạy cách săn bắn, hái lượm và trồng lúa nước, cùng Ngũ lão tiên ông huy động dân làng diệt trừ thú dữ và dựng Thụy Ứng quán để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ngũ lão tiên ông là những người đầu tiên khai khẩn vùng đất này. Sau này Thụy Ứng Quán được mở rộng và mang tên đền Đậu An.               
Ngôi đền còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật cổ có giá trị: Tòa tháp Cửu trùng bằng đất nung có niên đại thế kỷ XVI-XVII; hệ thống cột, các bộ vì, xà đều làm bằng đá xanh được các nghệ nhân đương thời chạm khắc hoa văn rồng phượng kiểu long vân quấn thủy rất tinh xảo; bệ hoa sen làm bằng đất nung.... 

Ngoài những hiện vật cổ có giá trị được lưu giữ trong ngôi đền, làng An Xá còn giữ được lễ hội gắn với sự tích ra đời của ngôi đền vô cùng hấp dẫn và thú vị, lễ hội đền Đậu An hay còn gọi là lễ hội ông Đùng bà Đà. Theo người dân truyền tụng thì Thiên Tiên và Địa Tiên vốn là hai chị em sinh đôi, có vóc dáng to lớn dị thường nên được gọi là ông Đùng bà Đà. Lễ hội được tổ chức hàng năm từ ngày mùng 6 đến ngày 12 tháng 4 Âm lịch. Nét đặc sắc của lễ hội là phần rước kiệu thờ Thiên Tiên, Địa Tiên và phần biểu diễn sự tích đánh hổ, diệt trừ thú giữ bảo vệ mùa màng, đem lại hạnh phúc ấm no cho dân làng.

Tích trò đánh hổ được diễn ra hai lần, vào ngày hội chính là ngày mùng 8, diễn tích trò đánh đuổi hổ mẹ dữ dằn, còn đêm giã hội ngày 12 chỉ giả có tiếng hổ con gầm rú. Tích trò “đánh hổ” hay còn được dân làng gọi là “ đánh bệt” vì trước kia dân gian ở đây gọi hổ là “bệt”. Còn có một cách giải thích khác nữa là khi đánh hổ, nhân vật bà Khó đã “ ngồi bệt” xuống đất và được tiếp sức mạnh từ đất mẹ nên mới đánh thắng được con hổ dữ. Tích “đánh hổ” được các nhân vật bắt đầu diễn lại khi đoàn kiệu rước các vị thần từ đền Thượng về đình Vô đi được nửa đường. Nhân vật trong tích trò “ đánh hổ” gồm có: Thiên Bồng Đô Nguyên Súy, hai lực sỹ, ông câu ếch, mẹ con nhà Khó – bà mẹ nghèo gánh hai đứa con, hai ngựa hồng bào, kỳ lân, côn hạc…và con hổ dữ. Những nhân vật được chọn vào vai diễn phải là những người có chút năng khiếu về biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt phải là người có đức hạnh ở trong làng. Tổ hùm( hổ) được nhân dân làm từ sáng sớm và được phủ kín bằng những cành lá cây si đã già, vừa mới chặt còn tươi, màu xanh mướt, những chùm quả chín đỏ, được lựa chọn ở nơi khô ráo, sạch sẽ nhất.

Tích trò biểu thị tinh thần thượng võ và lòng quyết tâm diệt trừ ác thú bảo vệ mùa màng của nhân dân từ xa xưa, với niềm tin rằng đánh đuổi được hổ ra khỏi làng thì mùa màng bội thu, ăn nên làm ra, dân làng yên ổn… Trong khi diễn ra tích trò thì thanh niên trai tráng ở các làng xung quanh cũng đề cao cảnh giác vì sợ hổ sẽ phi sang làng mình và mang tai họa đến cho làng. Vì vậy tích trò “ đánh hổ ” không những đem lại sự hào hứng, thú vị cho những người xem mà còn mang đậm chất thiêng. Khi trò đánh hổ kết thúc, nhân dân và du khách thập phương tham gia lễ hội đã ào lên giành giật nhau từng cành si, lá si để mang may mắn, điềm lành về cho gia đình. Những nhà hiếm muộn thì ôm lấy hai con nhà bà Khó để cầu mong con cái cho mình.
Với tính chất thiêng liêng ấy, lễ hội đền Đậu An vẫn được tổ chức thường niên nhằm gìn giữ và phát huy những giá văn hóa đặc sắc mà cha ông đã dày công sáng tạo. 

TTTTXTDL
 

 
 
 
 
 

 

 






TIN BÀI LIÊN QUAN