Độc đáo trò chơi dân gian Vật Cù trong Lễ hội đền Phù Ủng

Cứ mỗi dịp đầu năm mới, khi mùa xuân về cây cối đâm chồi nẩy lộc lúc đó cũng là dịp diễn ra lễ hội đền Phù Ủng. Lễ hội chính từ ngày 11 đến ngày 13 tháng Giêng âm lịch. Đền là nơi thờ danh tướng Phạm Ngũ Lão – vị tướng tài ba […]

Cứ mỗi dịp đầu năm mới, khi mùa xuân về cây cối đâm chồi nẩy lộc lúc đó cũng là dịp diễn ra lễ hội đền Phù Ủng. Lễ hội chính từ ngày 11 đến ngày 13 tháng Giêng âm lịch. Đền là nơi thờ danh tướng Phạm Ngũ Lão – vị tướng tài ba của Trần Hưng Đạo, đã có công đánh tan giặc Nguyên Mông và Ai Lao thế kỷ XIII. Đến đây du khách được chiêm ngưỡng quần thể di tích đền Phù Ủng uy nghi và được nghe kể về những giai thoại, những chiến công hiển hách của ngài. Bên cạnh đó du khách còn được xem và thử sức cùng các trò chơi dân gian có từ lâu đời, trong đó độc đáo nhất là trò chơi Vật Cù.

Trò chơi Vật Cù thường được diễn ra tại các hội làng của các huyện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vào đầu năm mới như hội Phủ Điền, hội làng Tất Viên ( huyện Tiên Lữ), Quang Xá ( Huyện Phù Cừ), hội đình Ngọc Nhuế ( xã Tân Phúc), Đào Xá ( xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi), hội đình Quan Xuyên, đình làng Hạ, làng Trung ( huyện Khoái Châu) . Ở từng địa phương, trò chơi có những tên gọi khác nhau: Vật Cù, Vật Cầu hay Vật Lầu. Dụng cụ, cách tổ chức, hình thức chơi gần giống nhau.

Đối với trò chơi Vật Cù tại Lễ hội đền Phù Ủng (huyện Ân Thi) là trò chơi dân gian đặc sắc nhất. Tương truyền xưa kia tướng quân Phạm Ngũ Lão đã dùng trò chơi để rèn luyện sức khỏe cho quân sĩ.

Dụng cụ chơi là quả cù hình tròn, đẽo bằng gỗ mít hoặc gỗ sung, bào nhẵn, sơn đỏ, hay gọt củ chuối hột, luộc qua, phơi nắng cho dẻo khi chơi khỏi bị vỡ. Quả cù có đường kính vào khoảng 40 – 50cm, nặng độ 6- 8kg.

Sân chơi ở khu vực ngoài đền có chiều dài 50 – 70m, chiều rộng 25 – 35m. Sân chia làm hai phần bằng nhau, giữa kẻ một đường ranh giới nửa sân Đông và nửa sân Đoài (hoặc nửa sân Nam và nửa sân Bắc). Chính giữa đường trung tuyến khoét 1 lỗ rộng vừa 2 người đứng và quả cù ở giữa gọi là lỗ cái. Cuối sân mỗi bên đào 1 lỗ tròn  (hoặc vuông) gọi là chuồng cù có đường kính rộng hơn đường kính quả cù.

Số lượng người chơi không hạn chế, được chia làm 2 đội, mỗi đội có thể là 8 – 12 vật thủ, là những thanh niên trai tráng trong làng, có sức khỏe. Các vật thủ của mỗi đội chơi đầu chít khăn có màu sắc khác nhau, cởi trần, đóng khố.

Phía ngoài đường kẻ giữa sân là vị trí của người giáp trống và cũng là nơi kê chiếc trống cái cho vị chỉ huy. Điều khiển cho 2 đội chơi là ông tổng cờ. Ông điều hành trận đấu bằng hiệu lệnh trống nên dân làng gọi là ông giáo trống. Ông giáo trống (tổng cờ) là vị cao niên trong làng, có sức khỏe, gia đình song toàn, dáng vẻ tiên phong đạo cốt, đầu chít khăn đỏ, ăn mặc kiểu phường trò.

Khi trận đấu bắt đầu, ông giáo trống tay trái cắp quả cù, tay phải cầm dùi trống, trịnh trọng mang cù bỏ vào lỗ giữa sân rồi đến bên trống, dõng dạc hô lớn: “Bớ trai giáp Đông! Bớ trai giáp Đoài!”

Đối với 2 đội, các vật thủ xếp thành 2 hàng cách lỗ cù 1 trượng với tư thế sẵn sàng thi đấu. Sau khi nghe tiếng gọi của tổng cờ (giáo trống), tất cả đồng thanh ” Dạ!” làm cho không khí sân chơi thêm trang trọng và vui nhộn. Ông tổng cờ giơ cao dùi và nói:

 Thiên hạ thái bình
Dân tình hoan hỉ
Trai gái tráng dũng
Chuẩn bị quốc phòng
Cho xứng Lạc Hồng
Nghìn năm rạng rỡ
Ta đây, Phạm Ngũ Lão
Nhân kỳ Nguyên Đán
Muốn chọn cuộc vui
Trước để thử tài
Sau đem sức kháng địch
Nếu nước lâm nguy
Ra quân mà chống chế
Bớ Đông giáp, bớ Đoài giáp!
Hãy tỏ lực người trai đất Việt!

Sau khi dứt lời, một hồi trống nổi lên báo hiệu cuộc chơi bắt đầu. Người xem thì bao kín xung quanh hò hét, cổ vũ, khích lệ cùng với tiếng trống thúc vang làm náo động không gian lễ hội. Trong cuộc chơi các vật thủ rất phấn khích chạy lại lỗ cái, tranh cướp cù từ giữa sân, nhưng không hề có lối chơi thô bạo, ác ý, rất quyết liệt nhưng cũng rất trong sáng. Mỗi lần đưa cù vào chuồng của đối phương thì đội đó được tính là 1 điểm. Việc đưa cù vào chuồng của đối phương không hề dễ, vì cả hai bên đều muốn giành cù nên cuộc tranh cướp từ người này sang người khác diễn ra quyết liệt. Đội nào cũng tìm cách che chắn, ngăn cản đội của bên kia.
Giải thưởng giành cho đội thắng cuộc chỉ là lạng chè, phong thuốc lào và cùng nhau thụ lộc mâm xôi đồ lễ nhưng mọi người rất vui và phấn khởi, rủ nhau lập đội tham gia.

Vật cù chính là một trò chơi dân gian độc đáo của Hưng Yên nói chung và tại lễ hội đền Phù Ủng (Ân Thi) nói riêng. Được hòa mình vào không khí náo nhiệt của trò chơi trong lễ hội, được reo hò cổ vũ cho các đội chơi, tinh thần, lòng tự hào dân tộc như bùng cháy trong mỗi người. Hành trình du xuân về Hưng Yên trong những ngày lễ hội là một ý tưởng khá hay để bạn lựa chọn cho gia đình. Từ Hà Nội, Hải Phòng hay Nam Định, Ninh Bình… khoảng cách không xa, giao thông rất thuận tiện để đại gia đình bạn có thể đến khám phá và trải nghiệm.

TTTTXTDLHY






TIN BÀI LIÊN QUAN