Làng Cuông – nơi gìn giữ nghề truyền thống làm mành

Làng Cuông là tên gọi của một ngôi làng thuộc thôn Đa Quang, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây gìn giữ và phát triển nghề làm mành đã có từ lâu đời, chứa đựng những giá trị văn hóa vô giá của dân tộc.         Chiếc mành không những […]

     Làng Cuông là tên gọi của một ngôi làng thuộc thôn Đa Quang, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây gìn giữ và phát triển nghề làm mành đã có từ lâu đời, chứa đựng những giá trị văn hóa vô giá của dân tộc.

        Chiếc mành không những có tác dụng che chắn nắng gió, mà còn là một sản phẩm thể hiện nét văn hóa của người Việt Nam từ xa xưa. Xưa kia, chiếc mành tre được sử dụng rất phổ biến trong bất cứ ngôi nhà nào, kể cả nơi cửa đình, cửa đền… Ngày nay với sự phát triển khoa học kỹ thuật, sự tiến bộ của xã hội, chiếc mành tre dần bị mất đi, thay vào đó là những ngôi nhà được thiết kế hiện đại, sang trọng. Nhưng vẻ đẹp giản dị, mộc mạc vốn có của những chiếc mành tre đã đem lại sức sống lâu bền cho sản phẩm. Ngày nay chiếc mành tre được người dân rất ưa chuộng. Sự kết hợp giữa cái lộng lẫy, sang trọng của kiến trúc hiện đại với nét cổ điển, trầm mặc của những chiếc mành tre dân dã tạo nên một không gian thoáng đãng với ánh sáng tự nhiên, mang đến cảm giác thoải mái, thư thái bình dị của chốn thôn quê giữa lòng thành phố. Những chiếc mành tre được bày bán rất nhiều và được tiêu thụ với một số lượng lớn bởi những tác dụng thiết thực của nó trong cả đời sống văn hóa và thẩm mỹ.

       Đối với người dân làng Cuông, việc làm mành không những đem lại thu nhập ổn định cho dân làng trong những lúc nông nhàn mà còn là niềm vui, là những phút giây thư giãn quý giá của họ. Đôi bàn tay khéo léo của những “nghệ nhân vót nan” đã biến những cây tre làng chắc chắn, gai góc thành những chiếc nan mành mảnh dẻ, nuột nà để tạo nên những chiếc mành đậm đà bản sắc văn hóa Việt. Sản phẩm mành không chỉ được làm từ tre mà còn được làm từ những cây họ nứa. Những cây tre, cây nứa được chẻ thành những chiếc nan nhỏ, vót trơn và được dệt thành những chiếc mành bằng dây mây, dây dù chắc chắn nhưng rất mềm mại.

         Để tạo nên một chiếc mành vừa có độ bền chặt, đảm bảo chất lượng, vừa có yếu tố thẩm mĩ, những người làm mành nơi đây được coi như những nghệ nhân. Tre, nứa được chọn để làm mành phải là những cây thẳng, nạc để không bị hao nan và hơn hết là để cho ra một thành phẩm như ý. Chỉ dùng phần cật của cây để làm mành, còn phần bụng phải loại bỏ. Khâu pha nan, chuốt nan cũng rất quan trọng, không phải ai cũng làm được, phải là người đã lành nghề và rất khéo tay mới cho ra những chiếc nan mành thẳng tắp, trơn và óng. Khâu dệt mành đòi hỏi tính cần cù chịu khó, đôi bàn tay cũng phải chắc để dệt được những chiếc mành bền đẹp.

           Mỗi chiếc mành tre được làm ra là sự kết tinh mồ hôi, công sức, tinh thần hăng say lao động, lòng nhiệt huyết của những người dân chân chất chốn thôn quê. Nghề làm mành tre làng Cuông vẫn đang được duy trì từng ngày, sản phẩm ngày càng được làm tỉ mỉ, tinh tế đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính của xã hội hiện đại.

          Tìm về làng Cuông không khó, những con đường làng đã mở rộng sẵn sàng cho những chuyến ghé thăm của bạn. Làng Cuông chỉ cách Phố Hiến ( Tp Hưng Yên) khoảng 15km. Sẽ cực kỳ thú vị nếu bạn có một hành trình tham quan Phố Hiến với những di tích cổ kính, linh thiêng – về thăm làng nghề mành Cuông, cùng ăn, cùng chơi, cùng chuốt nan dệt mành với người dân để cảm nhận được hết những vất vả nhưng rất đỗi thân thương của cuộc sống thôn quê.
 

 TTTTXTDLHY

 






TIN BÀI LIÊN QUAN