Ai về cầu đá làng Nôm ?

Ai về cầu đá làng Nôm Mà xem phong cảnh nước non hữu tình           Cách Hà Nội khoảng 30km về phía Đông, dọc theo quốc lộ 5 hướng Hà Nội- Hải Phòng, du khách sẽ được tham quan và chiêm ngưỡng ngôi làng cổ ở Đại Đồng – Văn Lâm – Hưng Yên, nơi […]

Ai về cầu đá làng Nôm
Mà xem phong cảnh nước non hữu tình

          Cách Hà Nội khoảng 30km về phía Đông, dọc theo quốc lộ 5 hướng Hà Nội- Hải Phòng, du khách sẽ được tham quan và chiêm ngưỡng ngôi làng cổ ở Đại Đồng – Văn Lâm – Hưng Yên, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa được mệnh danh “Đường Lâm của đất nhãn” Hưng Yên. Tại đây du khách sẽ được tham quan chùa Nôm, chợ Nôm, cổng làng cổ kính hay những ngôi nhà cổ và độc đáo hơn cả là cây cầu Nôm.

          Cầu Nôm là cây cầu đá bắc ngang dòng sông Nguyệt Đức, là điểm nhấn độc đáo mang lại sức hút đặc biệt cho không gian văn hóa thuần Việt của làng. Không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo, chiếc cầu đá cổ gần 200 năm tuổi của làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã được các nhà nghiên cứu di sản đánh giá là một công trình độc đáo còn nguyên vẹn chưa từng thấy ở bất cứ làng cổ nào của Đồng bằng sông Hồng.
          Vào thế kỷ XVI, cây cầu này được làm bằng gỗ lim. Để đảm bảo chắc chắn và thuận tiện cho người dân đi lại, thời Tự Đức (1848- 1883) cầu được thay hoàn toàn bằng đá. Mặt cầu rộng gần 2m, làm bằng đá xanh nguyên khối, gắn khít nhau. Những phiến đá lớn được các nghệ nhân đục đẽo rất công phu. Cầu xây 9 nhịp, theo quan niệm của người xưa số 9 tượng trưng cho sự may mắn trọn vẹn… Dầm cầu hình chữ nhật. Mặc dù thời gian đã làm cầu  bị rêu mốc và cây leo bám, nhưng những nét văn hoa cổ tinh tế của cầu vẫn rất dễ quan sát. Hai bên thành cầu còn hầu như nguyên vẹn các mỏm đá dầm cầu được chạm trổ vân mây, một họa tiết thường sử dụng trang trí trong kiến trúc cổ, được tạo tác công phu, nghệ thuật rất xảo diệu và cầu kỳ, trông như những cái đầu rồng. Chân cầu là những cột đá hình trụ, không đều nhau được đẽo thô để gác dầm cầu, đã bị xói mòn bởi thời gian. Điểm đặc biệt của cây cầu còn là tính bền vững về kết cấu. Mặc dù mặt cầu, mố cầu và chân cầu chỉ gác lên nhau chứ không có vật liệu liên kết, nhưng trải qua thời gian gần 200 năm mặt cầu vẫn phẳng, chắc chắn và vững chãi. Điều đó cho thấy trình độ thiết kế, gia công vật liệu và thi công cầu của những người thợ ngày xưa rất đáng nể phục.
          Làng Nôm hôm nay vẫn đẹp như một bức tranh cổ về làng quê Việt Nam với dòng sông Nguyệt Đức hiền hòa, êm ả. Cây cầu đá không chỉ nối đôi bờ giúp người dân đi lại, mà còn là điểm nhấn độc đáo cho bức tranh làng cổ đã tồn tại hàng trăm năm. Đi qua cây cầu đá, bước chân tới ngôi làng cổ để thấy hết được nếp sống, nếp sinh hoạt, văn hóa, hồn dân tộc của một vùng quê thuần phác đồng bằng Bắc Bộ.

 TTTTXTDLHY

 
 






TIN BÀI LIÊN QUAN