Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với cách mạng Việt Nam và con đường đổi mới đất nước

Ngày đăng: 19/07/2024
Hưng Yên là vùng đất văn hiến và anh hùng. Nơi đây sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất, có công với dân tộc, nhất là trong lĩnh vực chính trị, quân sự và văn hoá, trong đó có cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh – một nhà lãnh đạo kiên định, có uy tín lớn của Đảng, nhân dân và quân đội ta, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người đảng viên kiên cường, trung thành, tận tuỵ, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì CNXH và hạnh phúc nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc (còn gọi là Mười Cúc), sinh ngày 01/7/1915, quê ở xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn (nay là huyện Yên Mỹ), tỉnh Hưng Yên. Xuất thân trong một gia đình yêu nước, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong phong trào học sinh từ năm 14 tuổi. Với nhiệt tình của tuổi trẻ, được tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dẫn đường, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tích cực, hăng hái hoạt động cách mạng trong học sinh, công nhân.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ảnh: Tư liệu

Năm 1930, khi đang thực hiện nhiệm vụ đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án tù chung thân, đày đi Côn Đảo. Năm 1936, Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền, cùng với nhiều chiến sĩ cách mạng khác, đồng chí được trả tự do, tiếp tục hoạt động, tham gia khôi phục phong trào cách mạng, lập lại Thành ủy Hải Phòng và được bầu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Đầu năm 1939, Trung ương điều động đồng chí vào tham gia Thành ủy Sài Gòn. Cuối năm 1941, đồng chí được Trung ương cử ra Trung Kỳ chắp nối lại phong trào cách mạng, chuẩn bị lập lại xứ ủy mới. Tại đây, đồng chí bị địch bắt lần thứ hai và đày ra Côn Đảo.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được đón về và tiếp tục tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ và gắn bó với đồng bào Nam Bộ trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất phong trào cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng chí đã chỉ đạo, tổ chức xây dựng, phát triển các cơ sở Đảng, các tổ chức quần chúng, các đoàn thể cứu quốc, mở rộng mặt trận, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang, chiến tranh du kích, chống địch càn quét, củng cố căn cứ địa cách mạng... tạo ra những điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.

Trong những năm 1957 - 1959, cách mạng miền Nam trước muôn vàn khó khăn, thử thách hiểm nghèo. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với trách nhiệm là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chủ trì và cùng các đồng chí khác lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam để lại những dấu ấn lịch sử. Cùng với thắng lợi của phong trào "Đồng khởi", đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo thực hiện chủ trương của Đảng thành lập Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang miền Nam. Đây là những nhân tố có ý nghĩa quyết định trực tiếp đối với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng miền Nam sau phong trào Đồng khởi.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đồng chí đã cùng Đảng bộ miền Nam kiên cường, sát cánh cùng đồng bào, chiến sĩ, vừa chiến đấu, vừa kiên trì xây dựng lực lượng, phát triển phong trào cách mạng ở cả 3 vùng chiến lược, 3 mũi giáp công; thể hiện năng lực lãnh đạo và tài năng tổ chức chỉ đạo thực hiện đúng đắn, sáng tạo, từng bước đưa đường lối và quyết tâm của Đảng về cách mạng miền Nam thành hiện thực. Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thuộc về toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã quyết định đường lối đổi mới, mở ra thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tư duy mới, những quan điểm, cơ chế và chính sách mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc Diễn văn bế mạc Đại hội Đảng lần thứ VI, ngày 18/12/1986
(Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)

Đại hội VI của Đảng đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tầm tư duy chiến lược nhạy bén, vận dụng lý luận vào thực tiễn một cách nhuần nhuyễn, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nêu ra và kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc, đổi mới nhưng luôn luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị lãnh đạo cụ thể hoá, thể chế hoá và hiện thực hoá đường lối đổi mới, vững vàng, chủ động, sáng tạo, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động to lớn trên thế giới, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, thu được những thành tựu rất quan trọng trong công cuộc đổi mới.

Sau Đại hội VI, với trọng trách nặng nề trước Đảng, nhân dân và đất nước trên cương vị của một Tổng Bí thư của thời kỳ đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng từng bước cụ thể hóa đường lối cách mạng Việt Nam do Đại hội vạch ra theo quan điểm: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”.

Đồng chí nhấn mạnh: “Phải nhìn thẳng vào sự thật, phải thấy rằng thiếu sót chủ quan của chúng ta là nghiêm trọng và kéo dài. Phải có tinh thần dũng cảm tự phê phán mạnh mẽ và triệt để để đổi mới. Không như thế, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài với những tai họa thật sự - những tai họa không phải do bản chất của chế độ chúng ta gây ra mà là do khuyết điểm của chúng ta gây ra”.

Với trí tuệ, bản lĩnh và những kinh nghiệm thực tiễn, được sự nhất trí của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã lựa chọn phân phối, lưu thông làm chủ đề cho Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, lấy đó làm mũi đột phá để tháo gỡ những rối ren nhằm ổn định tình hình kinh tế và ổn định đời sống nhân dân. Biện pháp mở rộng giao lưu hàng hoá, xoá bỏ “ngăn sông, cấm chợ”. Các vấn đề tiền lương, giá cả, ngân sách, lãi suất ngân hàng... đã dần được giải quyết. Lạm phát giảm dần, từ 3 con số năm 1987 xuống còn 61% năm 1991; lưu thông tiền tệ dần được ổn định.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh thăm Xí nghiệp Liên hợp máy công cụ ở TP. Hồ Chí Minh năm 1984. Ảnh: T.L

Cuối năm 1988, thực hiện tiền tệ hóa tiền lương, bỏ chế độ phân phối theo định lượng bởi tem phiếu; từ nền kinh tế hiện vật chuyển dần sang kinh tế hàng hóa, điều tiết theo thị trường với sự quản lý hướng dẫn của Nhà nước. Đời sống nhân dân bước đầu được cải thiện.

Trong những năm 1988 -1989, cuộc khủng hoảng toàn diện nghiêm trọng ở các nước xã hội chủ nghĩa đã tác động tiêu cực đến nước ta. Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI do đồng chí Nguyễn Văn Linh chủ trì đã đề ra những nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo công cuộc đổi mới. Đường lối kinh tế với 3 chương trình lớn là: Lương thực, thực phẩm; Hàng tiêu dùng; Hàng xuất khẩu được gắn với vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm thời đại, năng lực quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, làm lành mạnh các quan hệ xã hội; đổi mới và phát triển bền vững.

Đồng chí nhấn mạnh: “Chúng ta chủ trương đổi mới toàn diện và đồng bộ, từ kinh tế chính trị đến tư tưởng, văn hóa và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Đồng thời, trong mỗi bước đi phải xác định khâu then chốt để tập trung sức giải quyết. Trong quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, chúng ta tập trung sức làm tốt đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị”.

Trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đồng chí xác định: phải lấy mặt trận nông nghiệp làm khâu đột phá, nếu muốn thực hiện thành công 3 chương trình kinh tế lớn. Đồng chí đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị, đánh giá mặt được và hạn chế sau 7 năm thực hiện “Khoán 100” trong nông nghiệp và đi tới Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 5/4/1988) về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho các hộ nông dân với quy mô hợp lý và ổn định trong 15 năm. Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, đã giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất trong nông nghiệp. Kinh tế hộ trong nông nghiệp tạo ra động lực mới cho sự phát triển nền kinh tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm cánh đồng lúa HTX Hải Vân, huyện Hải Hậu, tỉnh Hà Nam Ninh tháng 5/1988. Ảnh: TTXVN

Chỉ sau 1 năm, đến năm 1989, Việt Nam từ nước thiếu đói, phải nhập khẩu lương thực, đã không chỉ bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước mà còn trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực thứ ba trên thế giới. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, mở đầu cho sự ổn định và gia tăng về lương thực của đất nước, sớm giải quyết thành công vấn đề an ninh lương thực, góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị đất nước.

Triển khai thực hiện đường lối đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vừa chú trọng thực hiện những quan điểm cơ bản có ý nghĩa chiến lược, vừa quan tâm những việc cần làm ngay, kết hợp chặt chẽ giữa nói và làm. Trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí đã khởi xướng công cuộc đấu tranh chống tiêu cực trên mặt trận báo chí với phương châm: Báo chí không được uốn cong ngòi bút.

Ngày 25/5/1987, trang nhất Báo Nhân Dân đăng bài “Những việc cần làm ngay” của đồng chí Nguyễn Văn Linh ký tên N.V.L khiến nhiều người quan tâm. Từ đó đến năm 1990, đồng chí đã viết rất nhiều bài báo với nhan đề “Những việc cần làm ngay” với nội dung có ý nghĩa chỉ đạo sâu sắc, kịp thời khắc phục bệnh quan liêu, sự trì trệ, vô cảm trong lãnh đạo, quản lý ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, tạo nên phong cách công tác mới, phê phán sự im lặng đáng sợ. Loạt bài báo đã tạo ra một luồng sinh khí mới trong xã hội, với bầu không khí công khai, dân chủ, dám nói thẳng, nói thật trong những năm đầu đổi mới.

Một trong những bài của loạt "Những việc cần làm ngay", đăng báo Nhân dân, ngày 22/6/1987.

Tại Đại hội VII của Đảng, Tổng Bí thư khoá VI Nguyễn Văn Linh khẳng định quyết tâm đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: “Đối với nước ta, không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thực sự và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng ta trong lúc các phong trào cứu nước từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại”. [ Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007, tập 51, trang 13-14].

Trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chủ trương và trực tiếp tham gia thực hiện bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc, giải quyết vấn đề rút quân khỏi Campuchia, tạo dựng môi trường hòa bình hữu nghị và ổn định trong khu vực, tạo cơ sở để Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN, nối lại quan hệ với các nước Tây Âu; tạo cơ sở thuận lợi cho việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ, phá thế bị bao vây cấm vận, giữ vững độc lập, chủ quyền của đất nước.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã thay mặt Đảng ta long trọng tuyên bố: Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.

Sau Đại hội VII của Đảng (tháng 6/1991), đồng chí Nguyễn Văn Linh trở thành Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng. Trên cương vị cố vấn, đồng chí tiếp tục đóng góp vào lãnh đạo của Đảng nhằm phát triển nên kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xoá đói giảm nghèo, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, củng cố độc lập chủ quyền dân tộc dựa trên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, mở rộng quan hệ đối ngoại trong thời kỳ kết thúc Chiến tranh lạnh, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng Trung ương chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức cách mạng theo tấm gương của Bác Hồ. Đến ngày 27/4/1998, đồng chí từ trần tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh thật phong phú và oanh liệt. Gần 70 năm hoạt động ở nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, trải rộng trên cả ba miền đất nước và được Đảng tin cậy giao phó nhiều trọng trách, dù ở đâu, làm công việc gì, ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng luôn hết lòng vì Đảng, vì dân, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và đã có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng.

                                                                                              Phòng TTDL - Trung tâm TTXTDL HY

    Tài liệu tham khảo: Báo Nhân dân; Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.






TIN BÀI LIÊN QUAN