Phó Đức Chính – Người anh hùng hiên ngang lên máy chém

Phó Đức Chính sinh năm 1907 trong một gia đình Nho học tại làng Đa Ngưu (nay thuộc xã Tân Tiến), huyện Văn Giang. Ông là con út trong gia đình có 4 anh chị em, cha là cụ Duy Nhân. Cụ Duy nhân có 4 người con là: Phó Đức Chỉ, Phó Đức Ước, […]

Phó Đức Chính sinh năm 1907 trong một gia đình Nho học tại làng Đa Ngưu (nay thuộc xã Tân Tiến), huyện Văn Giang. Ông là con út trong gia đình có 4 anh chị em, cha là cụ Duy Nhân. Cụ Duy nhân có 4 người con là: Phó Đức Chỉ, Phó Đức Ước, Phó Thị Quy và Phó Đức Chính. Phó Đức Chính học tại trường cao đẳng Công chính Hà Nội. Tháng 12/1927, ông tham gia thành lập Việt Nam Quốc dân đảng và là một trong năm thành viên lãnh đạo của Tổng bộ, phụ trách công tác tổ chức và phát triển Đảng.

Sau khi tốt nghiệp trường Công chính, Phó Đức Chính được bổ nhiệm sang Lào làm việc. Ngày 9/2/1929, một Đảng viên của Đảng là Nguyễn Văn Viên xử tử Bazin – một kẻ chuyên dụ dỗ, bắt cóc dân nghèo ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ đi làm phu xe, xem như nô lệ cho các đồn điền cao su tại Nam Kỳ, Miên, Lào, Huế ở phố Huế, Hà Nội. Sau cuộc ám sát, Việt Nam Quốc dân đảng bị thực dân Pháp khủng bố ở khắp mọi nơi. Có hai kẻ khai báo nên Phó Đức Chính bị bắt ở Lào và đưa về nước, ông bị kết án tù treo và bị bãi chức tham tá Công chính. Song thực dân không có chứng cứ để buộc tội ông. Được trả tự do, Phó Đức Chính dấn thân vào con đường cách mạng, ông trả hết những kỷ vật cho vị hôn thê là cô Thắm ở Thanh Hóa.
Đế quốc Pháp vẫn tăng cường khủng bố Việt Nam Quốc dân đảng. Ngày 17/9/1929, Tổng bộ Việt Nam Quốc dân đảng đã triệu tập tại xã Lạc Đạo (Văn Lâm). Tại hội nghị này, những người dự họp chia làm hai phái: chủ trương bạọ động và chờ thời cơ. Để phản công và tránh nguy cơ tan rã, mặc dù không nắm chắc thắng lợi, Tổng bộ Việt Nam Quốc dân đảng vẫn ra quyết định tổng khởi nghĩa với một câu nói nổi tiếng của Nguyễn Thái Học “Không thành danh thì thành nhân” nghĩa là “Dù không thành công ( nhưng cuộc khởi nghĩa này) sẽ trở thành nhân tố cho các cuộc khởi nghĩa trong tương lai”. Công cuộc bạo động gấp rút, song có nhiều sơ xuất. Tại cuộc họp Tổng bộ ở làng Võng La, xã Hạ Bì (Thanh Thủy – Phú Thọ), trong hàng ngũ Đảng có kẻ phản bội, dẫn lính đến bao vây, công cuộc khởi nghĩa bị bại lộ. Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính bị thương nhưng vẫn chạy thoát. Không bắt được Lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân đảng, Thực dân Pháp ra lệnh triệt hạ làng Võng La, ra sức càn quét khắp nơi khiến nhiều đảng viên bị bắt.
Sau vụ Võng La, đế quốc Pháp khủng bố Việt Nam Quốc dân đảng càng dữ dội. Những nhà Lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân đảng thấy chỉ còn biện pháp duy nhất là khởi nghĩa càng sớm càng tốt. Ngày 26/1/1930, Hội nghị Đại biểu toàn quốc Việt Nam Quốc dân đảng họp tại làng Mỹ Xá, huyện Nam Sách, Hải Dương ra quyết định tổng khởi nghĩa vào ngày 9/2/1930, phân công các chỉ huy đánh chiếm thị xã Yên Bái, Sơn Tây, Hưng Hóa, Phả Lại, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Hà Nội… . Phó Đức Chính được giao chỉ huy đánh Sơn Tây, gần đến ngày khởi nghĩa, do lực lượng ít, Phó Đức Chính quyết định tham gia khởi nghĩa Yên Bái trước.
Sáng sớm ngày 9/2/1930, nghĩa quân cải trang làm người đi chợ đổ về thị xã Yên Bái, đến chiều tập trung về một khu rừng lớn gần thị xã. Phó Đức Chính mặc quân phục đứng ra diễn thuyết và phân phát khí giới, song một tên gián điệp đã báo với bọn lính Pháp nên chúng đã có sự chuẩn bị, đề phòng từ trước. Một giờ sáng ngày 10, hai cơ binh khố đỏ mở của đón nghĩa quân, phân phát súng, kéo cờ Quốc dân đảng, tấn công bọn chỉ huy Pháp giết chết tên quan ba. Do đã được báo trước nên bọn chúng đã có sự chuẩn bị, bắn xuống dữ dội, nghĩa quân không sao chiếm được, có nguy cơ bị vây kín trong trại. Bị tấn công ngược lại nên Phó Đức Chính và Ban chỉ huy phải cho anh em xông pha lửa đạn tìm đường rút vào rừng.
Vũ khí thô sơ, lại thiếu phương tiện liên lạc trong việc phối hợp và điều binh, khởi nghĩa Yên Bái thất bại. Phó Đức Chính cùng một số đồng chí vẫn hăng hái về Sơn Tây gấp rút chuẩn bị cho cuộc tấn công ở đồn Thông. Ngày 13/2/1930, kho bom của quân khởi nghĩa ở Quang Húc bị quân Pháp phát hiện lấy hết, nhưng Phó Đức Chính vẫn quyết tâm hạ đồn. Chiều ngày 15, Phó Đức Chính cùng Nguyễn Văn Khôi đang làm việc ở nhà quản Tân tại làng An Nam (tổng Cẩm Thượng, huyện Tùng Thiện, Sơn Tây) thì bị bắt và bị giam ở ngục thất Hỏa Lò. Không lâu sau Nguyễn Thái Học cùng nhiều đảng viên khác của Việt Nam Quốc dân đảng cũng bị bắt. Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Học và 11 đồng chí khác bị kết án tử hình, ông từ chối việc chống án với câu nói đầy khí phách:

  • Đại sự không thành! Chết là vinh! Còn chống án làm chi vô ích!

Thực dân Pháp giam các đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng bị kết án tử hình hơn ba tháng ở Hà Nội. Chiều 16/6/1930 chúng giải 13 người bị kết án tử hình lên Yên Bái bằng xe lửa. 5 giờ 30 phút sáng ngày 17/6/1930, thực dân Pháp đưa các chiến sĩ ra hành hình. Mọi người đều hiên ngang bất khuất khiến cho kẻ thù khiếp sợ, nhân dân kính phục và cảm thương. Phó Đức Chính là người thứ 12 bước lên máy chém, bình tĩnh chứng kiến những cái chết oanh liệt của đồng chí mình. Ông là người duy nhất yêu cầu được nằm ngửa để xem lưỡi dao rơi xuống như thế nào. Phó Đức Chính chỉ kịp hô “Việt Nam vạn tuế” thì lưỡi dao tàn bạo của đế quốc đã hạ xuống. Ông hy sinh trong tư thế một người anh hùng khi mới 23 tuổi.
Sau khi hành quyết các nhà cách mạng Việt Nam Quốc dân đảng tại Yên Bái, Thực dân Pháp cho chôn chung một mộ. Năm 1945, quân đội Việt Nam Quốc dân đảng chiếm đóng Yên Bái, cho trùng tu mộ phần và lập đền thờ. Ngày nay khu lăng mộ tọa lạc trong công viên An Hòa, Yên Bái và được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.

TTTTXTDLHY






TIN BÀI LIÊN QUAN