Vũ Trọng Phụng – Ông vua phóng sự đất Bắc

Vũ Trọng Phụng là một trong những tên tuổi nổi bật hàng đầu trong nền văn xuôi Việt Nam trước cách mạng. Dư luận coi ông là kiện tướng xuất sắc của khuynh hướng “ tả chân” đương thời. Ông là cây bút tiểu thuyết và phóng sự có tài năng lớn với sức hút […]

Vũ Trọng Phụng là một trong những tên tuổi nổi bật hàng đầu trong nền văn xuôi Việt Nam trước cách mạng. Dư luận coi ông là kiện tướng xuất sắc của khuynh hướng “ tả chân” đương thời. Ông là cây bút tiểu thuyết và phóng sự có tài năng lớn với sức hút mãnh liệt và một phong cách độc đáo.
Vũ Trọng Phụng (1912-1939) quê ở làng Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, sống ở Hà Nội từ nhỏ. Cha làm thợ tiện, chết vì bệnh lao từ khi Vũ Trọng Phụng mới được 7 tháng. Mẹ là một phụ nữ nghèo, hiền hậu rất thương con, ở vậy nuôi con ăn học bằng nghề khâu vá thuê.
Sau khi đỗ bằng tiểu học, ông phải thôi học để đi làm kiếm sống. Sau hai tháng làm thư kí đánh máy cho hãng buôn Gô-đa, ông bị đuổi và thất nghiệp. Ít lâu sau, ông đánh máy chữ cho Nhà in Viễn Đông nhưng hai năm sau lại bị đuổi. Từ đó ông chuyển hẳn sang làm báo, viết văn chuyên nghiệp. Sau này ông viết truyện ngắn, kịch, tiểu thuyết,.. đã được đông đảo bạn đọc quan tâm chú y.


Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939).

Vũ Trọng Phụng đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Đến năm 1939, do làm việc quá sức, ông bị lao phổi và trút hơi thở cuối cùng trong một căn nhà tồi tàn tại phố Cầu Mới, gần Ngã Tư Sở, Hà Nội. Sự ra đi của ông đã để lại niềm thương tiếc vô hạn cho gia đình, bạn bè và xã hội lúc bấy giờ.
Một đời người không dài chỉ hơn một phần tư thế kỷ sống, một đời văn ngắn ngủi chỉ có chín năm, nhưng Vũ Trọng Phụng đã tạo được một gia tài văn chương khá lớn: với 71 tác phẩm đủ các thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến phóng sự, kịch và dịch.
Ông bắt đầu tham gia viết văn với truyện ngắn đầu tay Chống nạng lên đường và đều đặn cho đến ngày ông mất có đến 41 truyện ngắn và 4 di cảo truyện ngắn. Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng kêu gọi lòng yêu thương con người với con người. Mỗi một số phận mỗi con người được nêu lên bên trong ẩn chứa một sự đồng cảm, một nỗi lòng của chính tác giả. Phần lớn truyện ngắn của ông chuyên khai thác vấn đề tâm lý như Cái ghen của đàn ông, Lòng tự ái, Máu mê, Một đồng bạc, Con người điêu trá… Ngòi bút phân tích của ông tỏ ra khá tinh tế và sắc sảo. Đây cũng là đóng góp mới mẻ của ông vào sự hiện đại hóa thể loại truyện ngắn ở nước ta.
Là một nhà báo, Vũ Trọng Phụng đã viết nhiều phóng sự nổi tiếng. Với phóng sự đầu tay Cạm bẫy người, đăng trên báo Nhật Tân dưới bút danh Thiên Hư, Vũ Trọng Phụng đã gây được sự chú ý của dư luận đương thời. Năm 1934, báo Nhật Tân cho đăng Kỹ nghệ lấy Tây. Với hai phóng sự đó, ông là một trong vài ba “nhà văn mở đầu cho nghề phóng sự của nước ta”. Những phóng sự tiếp theo như Cơm thầy cơm cô, Lục xì đã góp phần tạo nên danh hiệu “ông vua phóng sự của đất Bắc” cho Vũ Trọng Phụng.
Vũ Trọng Phụng viết kịch cũng rất sớm, vào năm 1931 đã có tác phẩm Không một tiếng vang. Nếu kể cả di cảo, kịch của ông có đến 8 vở. Chẳng khác tiểu thuyết và phóng sự, kịch Vũ Trọng Phụng cũng nhằm vào những mảng hiện thực của đời sống.
Thể văn chính luận, báo chí, Vũ Trọng Phụng có 13 bài. Bài đầu tiên là Một người công nhân in trên báo năm 1936. Ông còn có hàng loạt bài báo ca ngợi những người yêu nước lúc bấy giờ, như các bài viết về Nguyễn Ái Quốc,… Ngoài việc phản ánh trung thực người thật việc thật, cái không thể thiếu trong văn chính luận của Vũ Trọng Phụng là nêu ý kiến chủ quan của người viết với ngôn ngữ ngắn gọn, chính xác, dễ hiểu, khoa học.
Chỉ mỗi đóng góp trên lĩnh vực tiểu thuyết và phóng sự cũng đủ thấy tài năng chẳng đợi tuổi . Nhưng có lẽ giữa sự phong phú và đa dạng của nhiều thể loại ông thành công nhất là tiểu thuyết.
Các tiểu thuyết của ông luôn đề cập đến những vấn đề của xã hội, khái quát được một phạm vi cuộc sống hết sức rộng lớn mà ta không thể tìm thấy được ở những sáng tác khác của những nhà văn cùng thời.
Mới có 24 tuổi, Vũ Trọng Phụng đã cho ra đời những đứa con tinh thần khá đồ sộ. Nếu tiểu thuyết là phản ánh bức tranh xã hội, phản ánh hiện thực đời sống thì Giông tố, Vỡ đê là bức tranh vẽ đầy đủ chi tiết, chân thật đời sống người dân dưới thời nô lệ. Bằng ngòi bút trào phúng độc đáo Số đỏ, Làm đĩ, Trúng số độc đắc là một nét khác xuất thần, bật lên những vết thương rướm máu của xã hội được che phủ bên ngoài lớp sơn văn minh Âu hóa. Dứt tình, Lấy nhau vì tình lại là một đường cày tâm lý, khơi mở tâm hồn, nhận thức về phương diện tình yêu, hôn nhân.
Vũ Trọng Phụng với những thành tựu xuất sắc đã góp phần quan trọng trong lĩnh vực tiểu thuyết. Ông có khả năng viết đúng đắn sâu sắc các mối quan hệ xã hội và sắc sảo khám phá nhiều mặt bản chất của xã hội. Ngòi bút của ông rất tỉnh táo và giàu bản lĩnh.
Luôn ôm ấp trong người một lý tưởng, một hoài bão làm cho xã hội tốt đẹp, hoàn thiện hơn, Vũ Trọng Phụng đã để cho con người, cá tính của riêng ông thẩm thấu qua từng trang sách.

TTTTXTDLHY






TIN BÀI LIÊN QUAN