Tích trò "đánh hổ" trong Lễ hội đền An Xá

Hưng Yên - mảnh đất ngàn năm văn hiến là nơi lưu giữ hơn 500 lễ hội truyền thống độc đáo phản ánh đậm nét văn hóa, phong tục của nền văn minh lúa nước sông Hồng

Hưng Yên - mảnh đất ngàn năm văn hiến là nơi lưu giữ hơn 500 lễ hội truyền thống độc đáo phản ánh đậm nét văn hóa, phong tục của nền văn minh lúa nước sông Hồng. Trong số đó, nổi bật có lễ hội đền An Xá, thuộc thôn An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ - là một lễ hội lớn, nổi tiếng trong vùng cả về quy mô và nét đặc sắc thu hút đông đảo du khách thập phương đến trẩy hội.

Lễ hội đền An Xá hay còn gọi là lễ hội ông Đùng bà Đà, gắn với sự tích ra đời của ngôi đền, hàng năm lễ hội được diễn ra để tri ân công đức các vị tiền bối. Lễ hội mang đậm nét đặc sắc của văn hóa dân gian nói chung và nét đẹp của nền văn hóa lúa nước vùng Bắc Bộ nói riêng, thể hiện khát vọng cháy bỏng của con người về một cuộc sống yên vui, ấm no và hạnh phúc.

Ngoài các nghi thức tế lễ chính, lễ hội còn có nhiều trò chơi hấp dẫn như: chọi gà, cờ tướng, hát quan họ,... Đặc sắc nhất là tích trò "đánh hổ" hay còn gọi là "đánh bệt" được biểu diễn vào ngày mồng 8. Chuyện kể, xưa kia làng có một con hổ vô cùng hung hăng, dữ tợn. Ngọc Hoàng đã sai các vị thần xuống đánh nhưng bất phân thắng bại. Khi đó, có mẹ con bà Khó trên đường hành khất, ăn mặc rách rưới, gánh 2 con nhỏ đi qua, bà bước tới lễ Đức Ông và bái yết Ngọc Hoàng xin được theo Tiên Bồng diệt trừ hổ ác.

 Lúc đó, bà bỏ con vào bụi rậm, cầm đòn gánh giáng mạnh ba nhát làm rung chuyển cả tổ hùm, đất đá rơi rào rào, vừa đánh bà vừa nói: "Ông cả bà lớn đi đâu, để cho mẹ Khó đánh nhau với hùm". Tức thì hổ hốt hoảng chạy ra khỏi tổ, bị bà Khó và Tiên Bồng Đô Nguyên Súy cùng hai lực sỹ đánh cho chín gậy vào đầu, nhân dân cổ vũ và cùng nhau ném đá vào hổ. Sau khi hổ chết được lột da, chặt đầu về đình tế lễ.

Để diễn lại tích đánh hổ, người đóng vai mẹ Khó thường là người có lòng dũng cảm và có công góp cho dân làng. Vai hổ sẽ được giao cho người đàn ông có khả năng toát lên thần thái của hổ dữ. Đạo cụ thường được làm một cách đơn giản với hang đá phủ cành lá si, được người dân dựng lên. Sau khi diễn xong, người dân sẽ đến xin lá si dắt vào người để cầu mong cho một năm may mắn, mưa thuận gió hoà. Tích trò thể hiện tinh thần thượng võ của nhân dân cùng với niềm tin sâu sắc vào sức mạnh của cộng đồng làng xã có thể chiến thắng thiên tai, đuổi trừ ác thú, dân làng được sống yên vui, hạnh phúc.

                                                                                                                         TTXTDL






TIN BÀI LIÊN QUAN