Đi đến

Chùa Chuông - Phố Hiến đệ nhất danh lam

Ai đã đến với Hưng Yên dù chỉ là một lần nhưng nếu chưa đến thăm Chùa Chuông thì đó là một thiệt thòi vô cùng lớn, bởi chùa nổi tiếng với nét cổ kính, được mệnh danh là “Phố Hiến - Đệ nhất danh thắng”. Nơi đây không chỉ là miền đất Phật mang đến an lành, phúc lộc cho mọi nhà mà còn là nơi bạn có thể thong dong thưởng ngoạn, ngắm cảnh đẹp để thư giãn lòng mình sau những bộn bề cuộc sống.

Ngôi chùa tọa lạc tại thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, TP. Hưng Yên, được khởi dựng từ sớm, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa vẫn giữ được nét kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê đan xen Nguyễn.

Du khách tham quan chùa Chuông

Tương truyền, vào một năm đại hồng thuỷ, có một quả chuông vàng trên một chiếc bè không biết từ đâu đã trôi dạt vào bãi sông thuộc thôn Nhân Dục. Các nơi đua nhau kéo chuông về địa phương mình nhưng không được, các bô lão thôn Nhân Dục lạy trời khấn Phật hô mười nam thanh nữ tú kéo được chuông lên bờ. Cho là vật báu trời ban, dân làng Nhân Dục bèn góp công, của dựng lại chùa cho rộng rãi hơn và xây lầu treo chuông. Mỗi lần thỉnh chuông, tiếng chuông ngân vang xa hàng vạn dặm. Khi ấy vua quan Bắc quốc lo sợ vì mỗi khi tiếng chuông thỉnh, những báu vật mà chúng cướp được sẽ về với chủ cũ nên đóng giả làm cao tăng tìm đến chùa để lấy cắp chuông vàng. Biết được giã tâm muốn cướp chuông vàng, các Tăng ni đã dấu chuông vàng xuống một chiếc giếng nhỏ. Dần dần những người mang chuông đi dấu đều viên tịch, hậu thế muốn tìm lại chuông nhưng không thấy. Để tưởng nhớ chuông vàng đã từng ở chùa, các tăng ni và nhân dân liền đổi tên chùa thành Kim Chung Tự có nghĩa là chùa Chuông Vàng, thường gọi là chùa Chuông.  

Tới đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp của ngôi chùa, kiến trúc theo kiểu " Nội công ngoại Quốc liên hoàn ", cùng “Tứ thủy quy đường” bao gồm các hạng mục: Tam quan, nhà Tiền, Tiền đường, Thượng điện, nhà thờ Đức vua Thần Nông nhà Tổ, nhà Mẫu, 2 dãy hành lang. Các hạng mục được bố trí đăng đối, cân xứng hài hòa, tạo nên sự tráng lệ, nét kiến trúc đặc sắc.

Ngoài kiến trúc đẹp, bề thế, chùa Chuông còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về mặt mỹ thuật cũng như lịch sử - văn hóa như: hoành phi, câu đối, chuông đồng, khánh đá…, tiêu biểu là cây cầu đá xanh, cây hương đá được dựng năm 1702, đặc biệt là tấm bia đá “Kim Chung Tự thạch bi ký” được dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711). Trên bia có ghi tên những người công đức tu sửa chùa và mô tả cảnh đẹp, phố phường của Phố Hiến xưa.
 

 Cây cầu đá xanh (1702)

Nét đặc sắc của ngôi chùa cổ kính là hệ thống các pho tượng Phật độc đáo, phong phú. Nổi bật là Bát bộ Kim Cương, Thập Bát La Hán (18 vị La Hán), 4 bức tượng Bồ Tát, hai ông Hộ Pháp chạy dọc theo hai dãy hành lang. Các pho tượng được tạo tác rất công phu, điêu luyện, mỗi pho tượng có một tư thế, dáng vẻ riêng và có biểu cảm khác nhau thu hút sự ngạc nhiên thích thú của nhiều du khách.

 

                                             

Hệ thống tượng Phật 

Chùa còn có các bức phù điêu bằng gỗ, đó là Thập điện Diêm Vương, mô tả cảnh nhục hình mà con người phải trải qua nơi âm giới, khuyên răn mỗi người phải biết tu nhân, tích đức nhiều hơn.


Năm 1992, chùa Chuông được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích "kiến trúc - nghệ thuật" cấp Quốc gia và là một di tích tiêu biểu thuộc di tích Quốc gia đặc biệt "Khu di tích Phố Hiến".
Trải qua bao thời gian, Phố Hiến đã không còn là thương cảng sầm uất nhưng chùa Chuông vẫn mang trong mình những giá trị văn hóa, tinh thần mãi mãi trường tồn của một đô thị cổ sầm uất và phồn thịnh. Dấu xưa còn đó, nét thâm trầm đủ níu lòng vãng khách.

                                                                                                       Nguyễn Huệ : TTTTXTDL






Có thể bạn quan tâm