Đền Mây - Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử

Nhắc đến Hưng Yên, ta không thể không kể đến đền Mây tọa lạc tại khu phố Đằng Châu, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên bởi từ lâu ngôi đền đã nổi tiếng với câu ca: “Trăm cảnh nghìn cảnh, không bằng bến Lảnh, đò Mây”.

Nằm ẩn mình dưới bóng cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, xa xa là dòng sông Hồng chảy cuồn cuộn mang phù sa bồi đắp cho vùng đất Đằng Châu – Hưng Yên, đền Mây được biết đến với cảnh vật nên thơ, hữu tình, là điểm đến linh thiêng hấp dẫn du khách.

Đền thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ, một danh tướng tài ba đầu thế kỷ X. Ông sinh ngày 10 tháng Giêng năm Canh Ngọ (910). Tương truyền, mẹ ông nằm mộng thấy Sơn Tinh và Hổ trắng mà có mang nên sau khi sinh đã đặt tên ông là Bạch Hổ. Ngay từ nhỏ, ông đã nổi tiếng ham học, có tư chất thông minh, tính tình nóng nảy, cương trực. Ông đã lập nhiều chiến công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, xây dựng nền quân sự, quốc phòng của các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê. Sau khi mất, ông đã hiển linh phù trợ, che chở cho cuộc sống yên bình của nhân dân trong vùng. Theo truyền ngôn, Thần Đằng Châu ( Phạm Bạch Hổ) không những có khả năng hô mưa gọi gió mà có thể điều khiển được hiện tượng tự nhiên " nửa sông bên kia mưa rất to, còn nửa sông bên này chỉ có gió mát".

Theo truyền ngôn, ngôi đền được khởi dựng từ rất sớm và có quy mô lớn. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hiện nay đền có kiến trúc thế kỷ XVIII mang đậm phong cách kiến trúc, mỹ thuật thời Hậu Lê đan xen Nguyễn. Tổng thể đền có kết cấu chữ Tam gồm 3 tòa: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung với nhiều mảng chạm khắc đẹp có giá trị mỹ thuật cao.

Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hệ thống pho tượng cổ mang phong cách thời Hậu Lê. Thể hiện sự sáng tạo qua nét chạm khắc đường nét trên khuôn mặt pho tượng mềm mại, uyển chuyển; có những đường nét được điêu khắc đến mức tinh xảo, điêu luyện.

Ngoài hệ thống tượng thờ, trong đền còn có bức đại tự khảm trai ghi bốn chữ Hán “Thái Bình Vương phủ” và bức trâm của Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh ca ngợi cảnh đẹp và sự linh thiêng của ngôi đền; 2 con vẹt điêu khắc thời Lê, 2 cỗ kiệu Bát cống,... Đó là những giá trị văn hóa đặc sắc, mang những nét hoa văn sống động, được chạm khắc rất tỉ mỉ, chau chuốt.

Hàng năm, đền Mây tổ chức lễ hội vào các dịp: từ mồng 8 -16 tháng Giêng (ngày sinh của Tướng quân), từ 12-18/11(tưởng niệm ngày mất của Tướng quân) và từ 16-24/6 âm lịch (ngày hóa của thân mẫu Phạm Bạch Hổ). Lễ hội đền Mây đã khơi dậy tình đoàn kết cộng đồng, khẳng định những giá trị văn hóa tinh thần của làng xã, thể hiện sự biết ơn với vị anh hùng dân tộc.

Với những giá trị tiêu biểu, đặc sắc về lịch sử, văn hóa và điêu khắc mỹ thuật, đền Mây đã được xếp hạng là di tích " Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật" ngày 21/01/1992 và là một trong 16 điểm thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Du khách về Phố Hiến đừng quên đến thăm đền Mây, để cảm nhận nét cổ kính, trầm mặc của công trình kiến trúc nghệ thuật quý giá này và trân quý hơn những giá trị văn hóa lịch sử mà cha ông để lại.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           TTXTDLHY






TIN BÀI LIÊN QUAN