Đền Trần – Nơi tôn thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

Ngày đăng: 23/10/2023
Đền Trần toạ lạc trên đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên, là một trong 16 di tích thuộc di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích Phố Hiến. Nơi đây thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái nhằm tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ tới vị anh hùng của dân tộc.

Ngôi đền tôn thờ người anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ông sinh ngày 10 tháng Chạp năm Mậu Tý (1228) trong một gia đình quý tộc thời Trần, nguyên quán ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường nay thuộc tỉnh Nam Định. Ông đã ba lần tham gia chống quân Nguyên – Mông xâm lược, được vua Trần phong làm Quốc Công Tiết Chế, thống lĩnh toàn quân đánh giặc. Dưới sự lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt đã làm nên chiến thắng, giữ vững nền độc lập, tự chủ của dân tộc.

Trần Hưng Đạo là một anh hùng kiệt xuất của dân tộc, một thiên tài quân sự, một danh nhân văn hóa lớn, mà sự nghiệp của ông sống mãi với lịch sử của dân tộc. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm lý luận quân sự có giá trị như: “ Vạn kiếp tông bí truyền thư” hay “ binh thư yếu lược” và đặc biệt là “Hịch tướng sĩ”, tác phẩm như ngọn lửa căm hờn thúc giục lòng yêu nước của nhân dân đứng lên chiến đấu để bảo vệ giang sơn. Khẳng định một bước phát triển quan trọng của khoa học quân sự Việt Nam, hình thành học thuyết khoa học quân sự dân tộc trong chiến tranh giữ nước. Ông mất năm 1300 tại tư dinh Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương.

Tương truyền, ngôi đền được xây dựng trên mảnh đất có địa thế quân sự quan trọng, xưa là nơi Hưng Đạo Vương chọn làm cứ địa đóng quân trong thời kỳ chống quân Nguyên – Mông lần thứ 2, thứ 3. Bởi đây là nơi hội tụ của ba dòng sông, lại gần cửa biển nên trở thành vị trí chiến lược, thuận lợi cho cả giao thông thuỷ - bộ.

Đền được khởi dựng vào nửa đầu thế kỷ XIV, đã trải qua nhiều lần tu tạo, hiện đền mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Với kết cấu kiến trúc chính kiểu chữ Tam gồm 3 tòa: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Các hạng mục được bố trí cân đối, hài hoà với kiến trúc kiểu “ trùng thềm điệp ốc”. Tại gian Hậu cung là Ban thờ Đức Thánh Trần. Phía sau là ngai và bài vị Tổ nghiệp họ Trần cùng gia đình và gia tướng của ngài là Yết Kiêu và Dã Tượng.

Bên ngoài là ban thờ vọng mũ áo con rể của ngài, là tướng quân Phạm Ngũ Lão (được thờ chính tại đền Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên).

Ngôi đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật rất có giá trị về lịch sử - văn hoá như: bia đá, 15 đạo sắc phong thời Nguyễn, các bức đại tự, cửa võng, ngai thờ,…Đây là những di sản văn hoá vô giá, nguồn sử liệu quý cho các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về lịch sử, địa danh Phố Hiến xưa.

Để tưởng nhớ đến ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương và ngày chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông, đền Trần thường tổ chức lễ hội vào ngày mồng 8/3 và ngày 20/8 âm lịch. Đây cũng là dịp diễn ra lễ hội văn hoá dân gian vùng Phố Hiến với nhiều hoạt động tạo thành sự kiện văn hoá mang đậm sắc thái tín ngưỡng của người dân nơi đây.

                                                                                                                                                       TTXTDL






TIN BÀI LIÊN QUAN