Đình An Vũ

Ngày đăng: 13/09/2024
Đình An Vũ được xây dựng trên thế đất hình chim Phượng Hoàng tại khu phố An Vũ, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên. Đây là nơi tôn thờ Cao Sơn Đại Vương được nhân dân truyền gọi là ông Thần Vàng.

Thần có tên là Nguyễn Hiền, người xã Thanh Uyên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Ông là danh tướng thời Vua Hùng Duệ Vương, đã cùng Tản Viên Sơn Thánh kết nghĩa anh em. Hai ông cùng giúp vua Hùng trấn giữ phía Nam Kinh thành Thăng Long, đánh thắng quân Thục xâm lược giành độc lập cho dân tộc. Sau khi mất, ông được dân làng An Vũ tôn làm thành hoàng của làng.

Đình được xây dựng từ thời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2 (1741) và được trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn, niên hiệu Bảo Đại thứ 04 (1929). Ngôi đình có kết cấu tổng thể kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm Đại bái và Hậu cung.

Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hệ thống kèo cột, các cấu kiện đều được làm từ vật liệu gỗ, chắc khoẻ, chạm trổ công phu, tỉ mỉ các đề tài tứ linh (long, lân, quy, phụng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) cách điệu, tinh xảo. 

Toà Đại bái 5 gian, kiến trúc bộ vì theo kiểu giá chiêng, kết cấu phần mái theo kiểu “Thượng tứ hạ ngũ”. Bốn đầu dư đỡ câu đầu chạm bong kênh hình đầu rồng mang đậm dấu ấn kiến trúc, mỹ thuật thời Hậu Lê. Các cấu kiện như kẻ bẩy, con chồng đều được chạm bong kênh hoa văn hình lá lật, và lá hoá rồng mềm maị, uyển chuyển. Tiếp nối là toà Hậu cung gồm 3 gian với lối kiến trúc đơn giản kiểu đầu hồi bít đốc, các bộ vì tạo tác kiểu con chồng đấu kê. Đình An Vũ là di tích có kiến trúc tổng thể còn tương đối đồng bộ, các mảng chạm khắc trang trí thời Lê đan xen thời Nguyễn mang giá trị văn hoá, mỹ thuật cao.

Hiện nay, ngôi đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Tượng Cao Sơn Đại Vương, đỉnh đồng, chuông đồng và 5 đạo sắc phong thời Nguyễn. Đình đã được Nhà nước xếp hạng là di tích “Kiến trúc nghệ thuật” cấp Quốc gia năm 1999 và là 1 trong 16 di tích thuộc di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích Phố Hiến.

Hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch. Bên cạnh nghi thức tế lễ, dâng hương còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: hát trống quân, hát cò lả… thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đây cũng là dịp tri ân công lao của các bậc tiền nhân đã có công đánh giặc cứu nước, đồng thời ôn lại quá khứ hào hùng của cha ông ta trong buổi đầu đấu tranh dựng nước và giữ nước, cùng ôn lại và tự hào về truyền thống con Lạc cháu Hồng.

                                                                                            Phòng TTDL - TTTTXTDLHY






TIN BÀI LIÊN QUAN