Văn chỉ Bình Dân – Đại bản doanh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy

Hưng Yên là mảnh đất ngàn năm văn hiến có truyền thống hiếu học và khoa bảng. Một trong những di tích vinh danh các vị khoa bảng đó là Văn chỉ Bình Dân thuộc thôn Bình Dân, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu. Văn chỉ Bình Dân là nơi thờ Đức thánh Khổng […]

        Hưng Yên là mảnh đất ngàn năm văn hiến có truyền thống hiếu học và khoa bảng. Một trong những di tích vinh danh các vị khoa bảng đó là Văn chỉ Bình Dân thuộc thôn Bình Dân, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu.
Văn chỉ Bình Dân là nơi thờ Đức thánh Khổng Tử, nhà bác học Chu Văn An và các bậc Tiên hiền, các nhà khoa bảng của huyện Đông Yên phủ Khoái Châu xưa. Đây không chỉ là văn chỉ hàng huyện mà còn là căn cứ đại bản doanh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Đây là văn chỉ của cả huyện Đông Yên phủ Khoái Châu xưa, được vinh dự đặt tại xã Tân Dân. Vì từ xa xưa thôn Bình Dân nổi tiếng có truyền thống hiếu học lại có nhiều người đỗ đạt nhất nên được triều đình cho phép đặt văn chỉ mang tên “Văn chỉ Bình Dân”.

 


Di tích Văn Chỉ Bình Dân (ảnh CTTĐT huyện Khoái Châu)

Di tích được khởi dựng từ xa xưa nhưng năm 1883 đã bị thực dân Pháp đốt phá vì là nơi hội họp của các nhân sĩ, trí thức và nhân dân trong huyện. Sau đó, di tích được ông Đinh Gia Quế cùng nhân dân đóng góp tiền của và công sức để tu sửa lại. Qua nhiều lần được trùng tu di tích có kiến trúc hình chữ Nhị gồm Đại bái và Hậu Cung. Các mảng kiến trúc với chủ đề hoa lá cách điệu được tập trung chủ yếu ở tòa Đại bái. Đây là những dấu ấn mang nét kiến trúc thời Nguyễn.
Tại đây còn lưu giữ được 2 tấm bia đá có tiêu đề Đông Yên huyện tiến sĩ bia kí ghi danh hơn 30 vị đỗ Đại khoa của huyện Đông Yên. Trong đó có 9 vị thôn Bình Dân đó là Trạng nguyên Nguyễn Kỳ (1541); Thám Hoa Nguyễn Quá Đạo(1523); Đệ Nhị Giáp tiến sĩ Bùi Công Cụ (1676), Lê Cao (1535); Đệ Tam Giáp đồng tiến sĩ Nguyễn Văn Chính (1463), Khoa Công Phương (1683); đặc biệt có hai cha con kế tiếp nhau đăng quang tiến sĩ là cụ Nguyễn Đình Bá (1727) và con là Nguyễn Đình Tố (1769). Đó không những là niềm tự hào của người dân nơi đây nói riêng mà còn là niềm tự hào của Hưng Yên nói chung.
Nơi đây được ông Đổng Quế đặt làm đại bản doanh khi ông làm thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy và ông tự xưng là ” Đổng Quân Vụ” giương cao lá cờ 8 chữ ” Nam đạo cần vương, bình tây phạt tội” nghĩa là Đạo quân nước Nam giúp vua đánh đuổi giặc Pháp. Đây là nơi có vị trí chiến lược quan trọng nên Đinh Gia Quế đã cho xây dựng căn cứ tại ấp Thọ Bình một cái thành bằng gạch bao quanh, có một số nhà kho, trường tập bắn, sân luyện tập võ nghệ. Đồn xây dựng không kiên cố lắm và thực sự nó chỉ là nơi làm việc của các thủ lĩnh và là nơi đóng góp quân của đội quân thường trực. Trong đồn có đường địa đạo, hầm bí mật từ trong thành có thể thoát ra sông Hồng, đến đền Hóa Dạ Trạch.
Sau một thời gian chuẩn bị ngày 6/3/1883 Đổng Quế tế cờ tại Văn chỉ Bình Dân, nghĩa quân đã tổ chức một số trận đánh khiến thực dân Pháp bị tổn thất nặng nề và quân triều đình khiếp sợ. Tiêu biểu là trận Trại Sơn năm 1885, trận Kỷ Dậu năm 1886, trận Bình Phú năm 1889,…Sau khi Đinh Gia Quế qua đời, ông Nguyễn Thiện Thuật trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, đưa cuộc khởi nghĩa lên quy mô lớn hơn.
Tại Văn Chỉ Bình Dân vẫn còn lưu giữ lời nhận xét của ông Trần Huy Liệu, Viện Trưởng Viện Sử học Việt Nam ” Vinh dự thay nhân dân Bãi Sậy đã đóng góp nhân tài vật lực vào cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Trên trang sử kháng Pháp của nhân dân Việt Nam, hai chữ ” Bãi Sậy” được viết bằng những chữ đậm nét”.
Do vậy Văn chỉ Bình Dân không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà còn là một di tích mang ý nghĩa đấu tranh cách mạng. Là một trong những di tích được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia sớm nhất ở tỉnh Hưng Yên, năm 1962.

 TTTTXTDL
 

 
 

 






TIN BÀI LIÊN QUAN