Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần

Ngày đăng: 07/07/2025
Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần thuộc phủ Long Hưng xưa, nay là xã Long Hưng, tỉnh Hưng Yên, là vùng đất có vị thế địa lí - kinh tế - chính trị - văn hóa đặc biệt quan trọng, gắn với nhiều sự kiện lịch sử thời Trần và lịch sử dân tộc.

Di tích gồm ba phân khu chính: Khu lăng mộ, khu đền thờ và khu di tích khảo cổ học:

Ảnh: Sưu tầm 

Khu lăng mộ

Vùng đất Long Hưng vốn là nơi dựng nghiệp của nhà Trần, vì thế đã được triều Trần đặc biệt chú trọng, phân phong cho các thân vương. Nơi đặt mộ tổ của họ Trần tại hương Tinh Cương (nay thuộc xã Long Hưng, tỉnh Hưng Yên) được lựa chọn làm nơi an nghỉ của các vị vua đầu triều và hoàng tộc nhà Trần: Thái Tổ Trần Thừa táng tại Thọ Lăng; Thái Tông táng tại Chiêu Lăng, Thánh Tông táng tại Dụ Lăng, Nhân Tông táng tại Đức Lăng. Sau khi Thái Tổ Trần Thừa mất, hương Tinh Cương chính thức được đổi tên thành Thái Đường (khu lăng tẩm của vua và hoàng tộc).

Hiện nay, Khu lăng mộ các vị vua triều Trần có tổng diện tích 38.221 m², được nhân dân gọi là Phần Đa, Phần Trung, Phần Bụt, tương ứng với Chiêu Lăng, Dụ Lăng, Đức Lăng – nơi yên nghỉ của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và một ngôi đền thờ Thượng Hoàng Trần Thừa, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông.

Khu đền thờ các vị vua triều Trần

Trước kia, đền có tên là “Trần đế miếu”, nằm ở vị trí đền Mẫu ngày nay. Trải qua nhiều biến cố của thời gian và lịch sử, khu đền thờ bị hủy hoại, đổ nát. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, ngôi đền đã được phục dựng lại trên nền cũ. Hiện nay, gồm các hạng mục: đền Vua, đền Thánh và đền Mẫu.

Đền Vua: được xây dựng với diện tích 6.498m², nơi thờ ba vua đầu triều Trần (Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông), phối thờ Thượng hoàng Trần Thừa và các vị cao tổ, tằng tổ nhà Trần cùng hai người có công mở nghiệp nhà Trần là Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ. Đền quay hướng Nam, gồm các hạng mục: cổng, sân tế, giếng ngọc, cổng sang đền Thánh, đền Mẫu, cổng vào phía sau đền, tiền tế, trung tế, hậu cung và hai tòa giải vũ.

Đền Thánh: có diện tích 6.011m², gồm các hạng mục: cổng, sân tế, lầu chiêng, lầu trống, tiền tế, phương đình, trung tế, hậu cung và giải vũ… Đền là nơi thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, phu nhân Nguyên Từ Quốc mẫu và hai con gái là Quyên Thanh Quận chúa, Đại Hoàng Công chúa.

Đền Mẫu: thờ các vị Quốc mẫu và công chúa đầu triều Trần, tổng diện tích 6.228 m², với các hạng mục: giếng ngọc, bình phong, sân tế, giải vũ, tiền tế, trung tế và hậu cung…

Khu di tích khảo cổ học nhà Trần

Khu di chỉ khảo cổ học Tam Đường (thời Trần) đã được khai quật khảo cổ nhiều lần, phát hiện được dấu vết kiến trúc và nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, với niên đại từ thời Lý đến Nguyễn, đặc biệt là nhóm hiện vật thời Trần,… là  minh chứng cho giá trị và sự tồn tại của di tích qua các thời kỳ lịch sử. Vào khoảng những năm 1979 - 1990, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật 4 lần ở Tam Đường, kết quả khai quật cho thấy: Tam Đường là vùng đất đặt tôn miếu, lăng mộ các vua và hoàng hậu đầu triều Trần (như chính sử đã ghi); Tam Đường là nơi đặt hành cung Long Hưng để các vua Trần ngự trong những lần về làm lễ bái yết tổ tiên.

Hàng năm, lễ hội truyền thống được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 16 tháng Giêng để tưởng nhớ các vị vua triều Trần. Đây là một trong những lễ hội lớn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và chiêm bái.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, di tích lịch sử Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 Thủ tướng Chính phủ. Là một điểm đến góp phần gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa và giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

 






TIN BÀI LIÊN QUAN