Khu lưu niệm đồng chí Tô Hiệu – Nhà cách mạng kiên trung của Đảng ta

Xuyên suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, vùng đất Hưng Yên là nơi sinh ra biết bao người con ưu tú đã có công xây dựng, bảo vệ non sông, bờ cõi. Tiêu biểu có liệt sỹ Tô Hiệu - người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi có ý chí kiên cường, dũng cảm.

Ðồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912, trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tuổi thơ vất vả, cha mất sớm, đồng chí Tô Hiệu lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của mẹ và các anh chị. Thuở nhỏ, đồng chí theo học các lớp đồng ấu, dự bị, sơ đẳng ở trường làng. Đặc biệt, đồng chí chơi cờ khá giỏi, được anh em gọi là trạng cờ.

Đồng chí Tô Hiệu (1912-1944) Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng

và cách mạng Việt Nam. Ảnh: Sưu tầm

Năm 14 tuổi, khi đang theo học tại trường Pháp - Việt ở thị xã Hải Dương, Tô Hiệu đã tham gia phong trào yêu nước của học sinh như phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, phong trào bãi khoá đòi tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Vì hoạt động này, nên mặc dù học rất giỏi, năm 1926 Tô Hiệu vẫn bị buộc thôi học. Phải rời trường nhưng dấu ấn tinh thần yêu nước đã in đậm trong tinh thần Tô Hiệu, đây cũng là bước dấn thân hướng vào con đường cách mạng của đồng chí.

Từ năm 1927 - 1929, Tô Hiệu lên Hà Nội tiếp tục con đường học vấn. Trong thời gian này, đồng chí tiếp tục tham gia các hoạt động đấu tranh cách mạng. Qua thử thách, được kết nạp vào Học sinh Đoàn, một đoàn thể do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Nội tổ chức.

Đầu năm 1930, Tô Hiệu vào Sài Gòn hoạt động cách mạng cùng với anh ruột là Tô Chấn, một lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng. Ngày 25/8/1930, Tô Hiệu bị thực dân Pháp bắt, đến ngày 28/12/1930 bị đưa ra xét xử tại Tòa án Sài Gòn, kết án 4 năm tù, đày đi Côn Đảo. Dù mắc căn bệnh lao phổi và bị đòn roi tra tấn dã man, nhưng người chiến sĩ trẻ vẫn kiên cường tham gia đấu tranh trong tù, tích cực học tập lý luận cách mạng, nhanh chóng giác ngộ và có bản lĩnh vững vàng. Cũng tại đây, Tô Hiệu chính thức trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1934, hết hạn tù Côn Đảo, Tô Hiệu bị thực dân Pháp đưa về quản thúc ở quê hương Xuân Cầu, Văn Giang. Mặc dù bị quản thúc nhưng đồng chí không chịu khuất phục, vừa tìm hiểu tình hình và gây dựng phong trào cách mạng ở quê hương, vừa tìm mọi cách vượt qua sự bao vây, phong tỏa của địch để bắt liên lạc với Đảng.

Đồng chí Tô Hiệu chụp ảnh cùng các đồng chí (từ trái sang phải) Nguyễn Công Bông, Tô Quang Đẩu, Tô Khôi, Lê Giản, Tô Duy tại quê hương Xuân Cầu. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Sơn La

Năm 1936, đồng chí Tô Hiệu cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và nhiều đồng chí khác xây dựng lại hệ thống tổ chức đảng và chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng đòi dân sinh, dân chủ ở Hà Nội và vùng phụ cận.

Tháng 2/1939, đồng chí được Trung ương phân công về phụ trách Liên khu B (bao gồm các tỉnh miền duyên hải Bắc Bộ và Hải Dương, Hưng Yên), trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng chí đã tích cực chỉ đạo, đưa phong trào cách mạng ở đây lên cao, gây tiếng vang lớn trong nước. Đồng chí vừa chú trọng công tác tuyên truyền theo phương thức rải truyền đơn, dán áp phích, vừa coi trọng tuyên truyền, đấu tranh trên lĩnh vực báo chí, trong đó tờ “Chiến đấu” là cơ quan tuyên truyền của Liên khu B do đồng chí Tô Hiệu sáng lập, vừa là chủ bút, vừa là phóng viên. 

Bên cạnh đó, đồng chí còn giác ngộ, đào tạo nhiều cán bộ cách mạng, quan tâm đến công tác công vận, lấy cuộc đấu tranh của công nhân làm nòng cốt cho phong trào cách mạng của quần chúng.

Tháng 12/1939, đồng chí Tô Hiệu bị địch bắt lần thứ 2 khi đang kiểm tra việc in truyền đơn chuẩn bị cho phong trào đấu tranh mới tại xóm thợ Thượng Lý (quận Hồng Bàng), cuối tháng 12/1939, thực dân Pháp kết án 5 năm tù và đày đồng chí đi nhà tù Sơn La.

Nhà tù Sơn La được ví như “chiếc quan tài nắp mở, chỉ chờ tù nhân tắt thở đem chôn”. Bởi địa thế “rừng thiêng nước độc”, các tù nhân chính trị và người Việt Nam yêu nước bị giam cầm ở Sơn La ngoài mắc các căn bệnh thông thường như phù thũng, thương hàn… thì bệnh sốt rét còn hoành hành rất dữ dội.

Tại nhà tù Sơn La, thực dân Pháp coi đồng chí Tô Hiệu là một phần tử đặc biệt nguy hiểm nhưng chúng lại lấy lý do nhân đạo vì đồng chí đang mắc bệnh lao phổi nặng nên giam riêng biệt tại phòng giam hình tam giác chưa đầy 4m² cuối dãy trại giam chéo. Tuy vậy, người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi Tô Hiệu đã thể hiện ý chí kiên cường, dũng cảm trước đòn roi của địch, dù đói rét và bệnh lao quái ác hành hạ, đồng chí vẫn quyết không gục. Đồng chí được tín nhiệm bầu làm bí thư Chi bộ nhà tù Sơn La (từ 5/1940 - 10/1941). Đồng chí Tô Hiệu cùng với các đồng chí của mình biến nhà tù Sơn La thành trường học cách mạng, thành nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cách mạng. Đồng chí được anh em tuyệt đối tín nhiệm, tin tưởng, được coi như linh hồn của phong trào đấu tranh cách mạng trong nhà tù Sơn La.

Đến tháng 10/1941, đồng chí thôi không giữ chức Bí thư Chi bộ nhà tù Sơn La, song vẫn là cố vấn đặc biệt tin cậy của Chi uỷ và là Trưởng ban huấn luyện, đào tạo của Chi bộ Nhà tù, tổ chức đời sống trong tù rất quy mô và khoa học. Đã thành lập uỷ ban nhà tù để lãnh đạo mọi mặt, tổ chức ra các ban: Trật tự trong, Trật tự ngoài, Kinh tế, Cứu tế, Hồng thập tự, Dân vận, Binh vận, Học tập và xuất bản báo Suối Reo… để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho anh em tù nhân, tôi luyện bản lĩnh và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng.

Do căn bệnh hiểm nghèo và chế độ hà khắc của nhà tù, ngày 7/3/1944, đồng chí Tô Hiệu hy sinh tại nhà tù Sơn La khi đang tuổi 32 trong niềm tiếc thương vô hạn của anh em, đồng chí. Đồng chí được an táng tại Nghĩa địa Gốc Ổi (nay là Nghĩa trang liệt sỹ nhà tù Sơn La).

Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã viết: “Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc và cho cách mạng thật là to lớn”; “Tấm gương, tinh thần Tô Hiệu là tài sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của lịch sử dân tộc”.

Khu lưu niệm đồng chí Tô Hiệu tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên

Ghi nhớ những đóng góp của đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam nói chung, tỉnh Hưng Yên nói riêng, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã quyết định xây dựng Nhà lưu niệm đồng chí Tô Hiệu tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang. Công trình được khánh thành năm 2000 trong khuôn viên rộng hơn 700 m2 . Năm 2012, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Liệt sĩ Tô Hiệu, gia đình đồng chí đã tiến hành nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục nhà lưu niệm, năm 2014 xây thêm khu nhà đón tiếp khách đến tham quan, thăm viếng.

Tổng thể kiến trúc của công trình mang đậm nét truyền thống với kết cấu kiểu chữ Đinh gồm 2 tòa: Tòa ngoài 3 gian, tòa trong là 1 gian làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi, nền lát gạch Bát Tràng. Nâng đỡ phần mái là các bộ vì được làm theo kiểu chồng rường. Các con rường được tạo tác khá vững chãi, chặm khắc hoa văn mềm mại, hoa văn trang trí hài hoà, sống động… Phần trang trí tập trung của nhà lưu niệm là ở toà trong và toà trung tâm toà ngoài với việc bài trí nhiều đồ thờ tự. Đây là nơi đặt ban thờ đồng chí Tô Hiệu với di ảnh và tượng bán thân đồng chí được đúc bằng đồng. Phía trên ban thờ treo bức hoành phi “Đại nghĩa lưu phương” Đại nghĩa – sự nghiệp của Đảng để lại tiếng thơm mãi mãi về sau). Hai bên ban thờ treo đôi câu đối chữ Hán:

“ Vạn lý đào hoa nghinh quốc vận;
Thiên thu hồng nhật chiếu gia thanh”

Dịch nghĩa: “Muôn dặm hoa đào mừng vận mới của Tổ quốc;
Ngàn thu mặt trời rọi sáng trên thanh danh của gia đình họ Tô”.

Các bức hoành phi, câu đối trên đây đều do Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu đề tặng nhân dịp khánh thành nhà lưu niệm với nội dung ca ngợi công đức của đồng chí Tô Hiệu.

Tiếp đến là nơi trưng bày hơn 100 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu nhằm tái hiện lại thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng cùng những đóng góp to lớn của đồng chí đối với quê hương, đất nước, với 3 chủ đề chính:

1: Quê hương Xuân Cầu và dòng họ Tô ở Xuân Cầu;

2: Tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu;

3: Những tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với đồng chí Tô Hiệu.

Trong sân của nhà lưu niệm liệt sỹ Tô Hiệu hiện có cây đào được nhân giống từ cây đào Tô Hiệu tại nhà tù Sơn La để tưởng nhớ tới người anh hùng đã khuất.

Hơn 20 năm qua, Khu lưu niệm Tô Hiệu trở thành địa chỉ lịch sử, văn hóa, tâm linh đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân và du khách thập phương về thăm quan, tưởng nhớ. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ, văn hoá tâm linh, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam.

 Với những giá trị quý báu đó, Khu lưu niệm đồng chí Tô Hiệu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 3080/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2020.

                                                                                                        Phòng TTDL- Trung tâm TTXTDLHY

 






TIN BÀI LIÊN QUAN