Nằm cách Hà Nội khoảng 35km, làng nghề làm đồ chơi trung thu ông Hảo thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Từ lâu đã được coi là “thủ phủ” đồ chơi trung thu truyền thống, nơi giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.
Những sản phẩm đồ chơi trung thu làng ông Hảo
Đến với làng, tôi cảm nhận được không khí tất bật, rộn ràng của người dân làng ông Hảo đang miệt mài với công việc sản xuất các đồ chơi trung thu truyền thống. Các món đồ chơi gắn bó với bao thế hệ trẻ như trống, mặt nạ giấy, đầu lân, đầu sư tử, đèn lồng,… màu sắc rực rỡ được bày ra phơi trên tường, trong sân hay đang được xếp lên xe để vận chuyển đi muôn nơi.
Đồ chơi trung thu truyền thống của làng nghề Ông Hảo không thể thiếu những chiếc trống gỗ. Làng trên xóm dưới rộn ràng căng trống tạo nên những chiếc trống gỗ vang danh làng nghề. Những chiếc trống được làm rất công phu và tỉ mỉ từ chi tiết chọn tang trống làm từ gỗ bồ đề hay gỗ mít phơi khô kiệt và quan trọng là giữ được tiếng. Da trâu bưng mặt trống thường là da của những con trâu già, có độ bền và dẻo dai, căng mặt trống sao cho vừa kín mà khi đánh tạo tiếng kêu giòn, vang.
Công đoạn làm trống gỗ tại làng nghề ông Hảo
Ở làng ông Hảo còn nổi tiếng với các loại mặt nạ giấy bồi với đa dạng các mẫu mã. Nào là mặt Tôn Ngộ Không, chú Tễu, Chí Phèo, hay mặt nạ 12 con giáp. Tôi may mắn gặp được bác thợ chuyên làm mặt nạ giấy có kinh nghiệm lâu năm và được chỉ dẫn các bước để tạo ra một chiếc mặt nạ như ý. Để làm ra một chiếc mặt nạ cần sử dụng các nguyên liệu như bìa cát- tông hoặc giấy bồi khắc họa các nhân vật yêu thích, dựa trên các cốt mặt nạ bằng xi măng, những tấm bìa, giấy báo cũ được xé dán và kết dính bằng hồ từ bột sắn. Bồi giấy sao cho mặt nạ đủ độ cứng, sau đó đem phơi khô, cắt tỉa viền rồi mới tô vẽ bằng màu sắc sặc sỡ. Trông thế thôi nhưng các bước khá cầu kì, tỉ mỉ, đòi hỏi người làm phải thật khéo léo và kiên trì.
Trải nghiệm vẽ mặt nạ giấy bồi tại làng nghề ông Hảo
Nhớ khi còn nhỏ, tôi cùng bạn bè dùng giấy làm đèn lồng, buộc sợi chỉ vào que đũa và tô màu để tạo thành chiếc đèn lồng. Sáng tạo hơn thì cho nến vào vỏ bưởi cũng được chiếc đèn lồng như ý. Bạn nào nhà khá hơn, được ba mẹ mua cho chiếc đèn ông sao 5 cánh, chiếc trống gỗ rồi chia nhau gõ. Mới thế thôi cũng đủ để chúng tôi vui và háo hức cả ngày. Khi được tận tay trải nghiệm làm mặt nạ giấy bồi, khiến lòng tôi lại xao xuyến bồi hồi nhớ đến tết đoàn viên năm xưa. Thật an tâm vì những sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống làng Ông Hảo đều được làm từ những nguyên liệu tự nhiên, đảm bảo an toàn và thân thiện với môi trường.
Những người thợ đang gấp rút hoàn thiện các sản phẩm của làng nghề để cung ứng ra thị trường
Qua đôi bàn tay khéo léo, sự cần mẫn của người thợ làng Ông Hảo, những chiếc mặt nạ bồi giấy hóm hỉnh, hài hước, cứ lần lượt hiện ra một cách sinh động, mang đậm nét văn hoá Việt. Đây là sự kết tinh từ lòng yêu nghề của những người thợ gửi gắm vào từng sản phẩm. Những món đồ chơi dân gian từ làng Ông Hảo đã được cung ứng ra thị trường, tỏa đi khắp mọi miền cả nước đáp ứng nhu cầu và tạo vị thế trong các hoạt động văn hoá dân gian của dân tộc.
Tôi tin rằng, đồ chơi truyền thống vẫn luôn tồn tại và sẽ được nhiều trẻ em yêu thích. Đến tham quan tại làng nghề làm đồ chơi trung thu Ông Hảo chắc chắn sẽ là gợi ý hay để các nhà trường lựa chọn cho các em học sinh trải nghiệm, học cách để tạo ra một sản phẩm thủ công truyền thống.
PTTDL - Trung tâm TTXTDLHY