Nhà tưởng niệm danh nhân Phó Đức Chính

Ngày đăng: 16/01/2018
Nhân dịp kỉ niệm 82 năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái và 105 năm ngày sinh người chiến sĩ yêu nước Phó Đức Chính, ngày 26 tháng 09 năm 2012, Tỉnh Ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Hưng Yên đã long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà tưởng niệm Danh nhân Phó […]

         Nhân dịp kỉ niệm 82 năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái và 105 năm ngày sinh người chiến sĩ yêu nước Phó Đức Chính, ngày 26 tháng 09 năm 2012, Tỉnh Ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Hưng Yên đã long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà tưởng niệm Danh nhân Phó Đức Chính trên khuôn viên rộng 1.626m2 tại xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Đây là công trình kiến trúc nhằm vinh danh tên tuổi và những đóng góp to lớn của danh nhân Phó Đức Chính với sự nghiệp cách mạng dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là con cháu dòng họ Phó tại quê hương.

Phó Đức Chính (1907 – 1930), người làng Đa Ngưu (nay thuộc xã Tân Tiến) huyện Văn Giang, xuất thân trong một gia đình Nho học. Ông học trường Cao đẳng Công chính Hà Nội. Tháng 12/1927, Phó Đức Chính tham gia thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng và là một trong năm thành viên lãnh đạo của Tổng bộ, phụ trách công tác tổ chức. Khi bị giặc Pháp kết án tử hình, ông đã từ chối việc chống án với câu nói đầy khí phách: “Đại sự không thành! Chết là vinh! Còn chống án làm chi vô ích!”. Ông là người duy nhất đã yêu cầu được nằm ngửa để xem lưỡi dao rơi xuống.
Không chỉ là người chiến sĩ yêu nước, hiên ngang trước kẻ thù. Phó Đức Chính còn là một người con chí hiếu. Khi cụ thân sinh Phó Duy Chân lên Yên Bái thăm ông trước khi ra pháp trường, Phó Đức Chính tạ lỗi với cha mẹ vì việc lớn không thành, không phụng dưỡng cha mẹ khi tuổi già. Ông khuyên người thân trong gia đình nén nỗi đau thương cùng nhau đoàn kết, làm việc tốt cho quê hương Hưng Yên yêu dấu và đất nước Việt Nam trường tồn. Cuộc đời Phó Đức Chính tuy ngắn ngủi, sự nghiệp chưa trọn vẹn song khí phách oanh liệt của ông trước kẻ thù là bài ca bi tráng đẹp mãi những giai điệu hào hùng thể hiện chí lớn tuổi hai mươi.
Khu nhà tưởng niệm danh nhân Phó Đức Chính khánh thành vào năm 2013 được xây dựng với lối kiến trúc truyền thống hình chữ đinh (J) gồm ba gian đại bái và một gian hậu cung. Hệ thống của nhà tưởng niệm làm theo lối “ Thượng minh hạ bản”, để trơn không trang trí, mái lợp ngói mũi. Bộ khung tòa đại bái được định vị khá vững chắc bởi hệ thống cột đá đặt trực tiếp xuống nền nhà cùng các bộ vì. Hệ thống các bộ vì ở đây được làm theo kiểu “ vì chồng rường”. Các con rường được tạo tác nổi khối, to khỏe tạo sự vững chắc cho toàn bộ ngôi nhà. Hậu cung là nơi đặt ban thờ người chiến sĩ yêu nước Phó Đức Chính. Nhà tưởng niệm còn là nơi trưng bày những tư liệu, hình ảnh tiêu biểu tái hiện lại thân thế và sự nghiệp danh nhân Phó Đức Chính. Đồng thời khẳng định tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta và các nghĩa sĩ trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái. Một số hình ảnh như: ảnh chân dung Phó Đức Chính, bức ảnh chụp thủ cấp 13 nghĩa sĩ bị xử chém tại Yên Bái được con cháu dòng họ Phó sưu tầm tại Pháp; tượng bán thân Phó Đức Chính được đúc bằng đồng, nghiêm trang do con cháu dòng họ cúng tiến, các bản trích trang trọng giới thiệu sơ lược về tiểu sử, cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà yêu nước Phó Đức Chính.
Ngoài khu thờ chính, trong khuôn viên nhà tưởng niệm còn bao gồm các hạng mục công trình phụ trợ: nhà đón tiếp, ao sen, hòn non bộ, sân vườn, cây xanh. Cả khuôn viên thành một hệ thống liên hoàn, hòa nhập với quang cảnh xanh tươi vốn có của vùng quê Tân Tiến – Văn Giang.
Hàng năm vào ngày 17 tháng 06 (ngày mất đồng chí Phó Đức Chính) con cháu dòng họ từ khắp mọi nơi đều tề tựu đông đủ về nhà thờ họ, nhà lưu niệm thắp nén nhang thơm tưởng nhớ đến người chiến sĩ yêu nước Phó Đức Chính. Qua đó giáo dục cho con cháu dòng họ về tinh thần yêu nước bất khuất, ý chí kiên cường đấu tranh bảo vệ tổ quốc của ông cha ta. Nhà tưởng niệm là tài sản quý giá, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, một công trình văn hóa thể hiện tấm lòng, tình cảm của nhân dân địa phương, con cháu dòng họ dành cho danh nhân Phó Đức Chính. Bên cạnh đó nhà tưởng niệm cũng là nơi giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau.

 TTTTXTDLHY

 






TIN BÀI LIÊN QUAN