Du xuân trẩy hội

Cứ mỗi độ xuân về, khắp các làng xã ở Hưng Yên lại tưng bừng tổ chức các lễ hội truyền thống thể hiện nét văn hóa độc đáo từ xa xưa của cha ông ta, góp phần bảo tồn và phát huy một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Đến với Hưng Yên dịp đầu xuân, du khách không chỉ được chiêm bái các di tích lịch sử văn hóa mà còn được đắm mình trong những lễ hội đặc sắc, trải nghiệm các trò chơi dân gian, những câu hát, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa quê hương.

 

Xin chữ đầu năm tại Văn Miếu Xích Đằng

Lễ hội đầu xuân tại Văn Miếu Xích Đằng (Phường Lam Sơn, TP. Hưng Yên) diễn ra từ mùng 4 - 5 Tết, tại đây diễn ra nhiều hoạt động tôn vinh nền học vấn gắn với nhiều nét văn hóa đặc sắc của vùng quê văn hiến Hưng Yên: triển lãm thư pháp, hát ca trù, cho chữ đầu xuân,...

Hội làng Nôm

Hội làng Nôm được tổ chức từ ngày 10-12 tháng Giêng tại làng Nôm xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm. Lễ hội nhằm tưởng nhớ vị Thành hoàng làng đã có công đánh giặc giúp nước, lập làng, đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân. Du khách về dự hội sẽ được thưởng thức hát quan họ, múa lân rồng, tham gia các trò chơi dân gian truyền thống: đi cầu kiều, bắt vịt… hoà mình vào không gian độc đáo mang đậm nét làng quê Việt.

Đông đảo du khách tham dự hội đền Phù Ủng

Lễ hội đền Phù Ủng được tổ chức từ ngày 11-15 tháng Giêng tại xã Phù Ủng huyện Ân Thi, nhằm tưởng nhớ tới tướng quân Phạm Ngũ Lão, một danh tướng thời nhà Trần đã có công lớn trong việc chống quân xâm lược Nguyên – Mông. Đến đây, du khách sẽ được tham gia phần lễ với các nghi thức trang trọng, cùng chơi các trò chơi đặc sắc như vật cù, nhảy mô đống, chọi gà,...

Cũng trong ngày 15 tháng Giêng, tại thôn Liêu Xá, xã Liêu Xá (Yên Mỹ) diễn ra lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Lễ hội tưởng nhớ đến công lao to lớn của vị đại danh y, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” của nhân dân ta. Nhân dân cùng những người công tác trong ngành y khắp nơi trong và ngoài tỉnh lại tề tựu về dự lễ hội truyền thống cầu cho bản thân và gia đình sức khoẻ bình an.

 H

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung

Cầu ước tìm đến một tình yêu đẹp, thuỷ chung son sắt và linh thiêng như huyền thoại Chử Đồng Tử - Tiên Dung, du khách hãy tìm về thăm đền Đa Hòa và đền Hóa Dạ Trạch ( ở hai xã Bình Minh và Dạ Trạch, huyện Khoái Châu) tham dự lễ hội mà bao đời nay vẫn truyền gọi là "Lễ hội tình yêu" được diễn ra từ ngày 10 - 12/ 2 Âm lịch. Tham dự lễ hội du khách sẽ được hòa mình trong các nghi lễ độc đáo như: Lễ rước nước trên sông Hồng, lễ tế Thánh; say mê với điệu hát Trống quân, múa " Đĩ đánh bồng" cùng nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: bịt mắt bắt dê, đập nồi đập niêu, đi cầu kiều...

Lễ hội dân gian Phố Hiến 

Lễ hội dân gian Phố Hiến diễn ra từ mùng 6 - 8/3 Âm lịch trong không gian văn hóa Phố Hiến như: đền Mẫu, đền Trần, đình - chùa Hiến, đền Thiên Hậu, chùa Chuông, Văn Miếu... với sự tham gia của 12 xã, phường thuộc TP. Hưng Yên.  Đắm mình trong không khí lễ hội, du khách được tìm hiểu sâu thêm về truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, được khám phá những nét độc đáo riêng về ẩm thực và các trò chơi dân gian độc đáo của vùng đất “Tiểu Tràng An” xưa.

Lễ hội cầu mưa

Lễ hội cầu mưa diễn ra từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 3 Âm lịch diễn ra tại xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm. Đây là lễ hội mang đậm nét văn hoá của nền văn minh lúa nước vùng Đồng bằng sông Hồng, thể hiện tín ngưỡng phồn thực đã có từ lâu đời, gắn liền với ước vọng của cư dân nông nghiệp, cầu mong cuộc sống no đủ, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Nét đặc sắc trong lễ hội là nghi thức rước kiệu các vị thần đại diện cho các thế lực mây, mưa, sấm, chớp. Lễ hội đã được ghi danh vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

 

Tích trò "Đánh hổ" tại lễ hội đền Đậu An

Du khách có dịp hãy đến thăm đền Đậu An thuộc thôn An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, là nơi thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Ngũ Lão Tiên Ông cùng các vị Thiên Tiên, Địa Tiên. Lễ hội được diễn ra từ ngày mùng 6 - 12/ 4 (Âm lịch), cùng đắm mình với các nghi lễ trang trọng, với trò chơi dân gian đặc sắc " Đánh hổ" thể hiện khát vọng mang đến điềm lành và hạnh phúc cho con người.

Đến với các lễ hội truyền thống chúng ta như được đắm mình trong dòng nước mát đầu nguồn, tận hưởng những giây phút thiêng liêng. Mỗi một lễ hội ở Hưng Yên đều mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng với bao huyền thoại, truyền thuyết và trò chơi dân gian độc đáo. Mời bạn về Hưng Yên trẩy hội để cùng khám phá và hoà nhịp với muôn vàn sắc xuân.

                                                                                                                                    Nguyễn Huệ - TTXTDL






TIN BÀI LIÊN QUAN