Làng chiếu Hới dệt nên những ân tình

Ngày đăng: 17/07/2025
Trong tâm thức bao người dân đất Bắc, làng chiếu Hới nổi tiếng “vang bóng một thời”.

Trước đây, chiếu Hới từng là mặt hàng quý giá, được đưa vào kinh đô, trở thành sản phẩm cống nạp cho triều đình.

Từ lâu, chiếu Hới đã được người ở nhiều vùng biết đến qua những giai thoại về Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ đi sứ sang Trung Quốc học được kỹ nghệ dệt chiếu về truyền cho dân làng để mở mang nghề dệt chiếu. Dân gian gọi ông là Trạng Chiếu và tôn thờ là Tổ nghề dệt chiếu.

Tương truyền, theo định lệ hàng năm, chiếu Hới thường được dâng tiến vua. Người làm chiếu không chỉ dệt sợi mà dường như còn dệt cả đời mình vào từng đường chiếu. Từ những sớm mai mờ sương, tiếng khung dệt lách cách vang lên giữa ngõ nhỏ làng quê, nhịp nhàng như lời ru của mẹ. Trước đây chiếu cói Hới, với đường dệt chắc tay, hoa văn nền nã, từng một thời theo chân thương lái đi khắp kinh kỳ, thôn xóm, trở thành niềm tự hào của miền quê chịu thương chịu khó.

Chiếu cói làng Hới

Cói - loài cây dẻo dai, vươn lên từ những vùng đồng chiêm trũng, từng gắn bó máu thịt với vùng đất Hới, nơi con sông Hồng ôm lấy làng, tưới đẫm phù sa cho những bãi bồi rộng lớn. Nhờ vào thổ nhưỡng đặc biệt, cây cói ở đây nhỏ sợi nhưng chắc, dai, dễ nhuộm màu và ít bị mốc, là nguyên liệu lý tưởng cho nghề dệt chiếu thủ công truyền thống. Cói mảnh mai vươn mình giữa đồng nước mặn mòi là nguyên liệu của từng tấm chiếu bền chặt, mộc mạc như chính con người nơi đây: chân chất mà khéo léo, cần cù và chăm chỉ.

Với truyền thống lâu đời, làng Hới ngày nay vẫn giữ nghề, tạo ra nhiều sản phẩm chiếu nổi tiếng để cung cấp cho khách hàng ở các địa phương. Chiếu Hới không chỉ nổi tiếng vì bền chắc, mà còn bởi kỹ thuật dệt độc đáo và hoa văn cổ truyền. Từ việc chọn cói, phơi nắng, nhuộm màu cho tới dệt chiếu, tất cả đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, kinh nghiệm và cái tâm của người làm nghề. Cói phải được nhuộm bằng kỹ thuật cổ truyền để giữ được màu bền lâu: màu đỏ son, xanh lá,... đều mang theo hồn dân tộc, cái đẹp dung dị mà đằm sâu.

Nét đặc sắc nhất là hoa văn chiếu: hình rồng phượng, chữ “Thọ”, chữ “Phúc”, những mô típ hình học đối xứng được dệt thủ công. Mỗi tấm chiếu dệt xong là một “tác phẩm nghệ thuật” kết tinh của thời gian, kỹ năng và cả linh hồn làng nghề. Trải qua bao biến thiên lịch sử nhưng trong từng nếp nhà cổ vẫn giữ hồn nghề xưa với mùi cói thơm ngai ngái và đôi bàn tay thoăn thoắt của người thợ cần mẫn với tiếng thoi đưa, vẫn còn những cụ già, những nghệ nhân giữ nghề, xem đó là niềm kiêu hãnh, là phận sự với tiền nhân.

 Nơi đây không chỉ là nơi làm ra vật dụng, mà còn là kho tàng ký ức, là nơi lưu giữ hồn cốt văn hóa Việt, nơi những người thợ lành nghề dệt nên không chỉ chiếu cói, mà cả niềm tin, sự bền bỉ, và vẻ đẹp không bao giờ lụi tàn của làng quê Bắc Bộ.

                                                                                                                                                     Huyền Trang - XTDLHY 

                                                                                                                                                           Ảnh sưu tầm






TIN BÀI LIÊN QUAN