Đền Cót – Nơi lưu giữ vườn si cổ thụ

Đền Cót tọa lạc ở thôn Nghi Xuân, xã Chí Tân, huyện Khoái Châu, là nơi tôn thờ ” Thượng đẳng thần” tướng Linh Lang gắn với sự tích anh hùng của buổi đầu giữ nước, dựng nước của dân tộc. Tương truyền: ” Khi xưa giặc Tống đến xâm lược nước ta, quân giặc […]

Đền Cót tọa lạc ở thôn Nghi Xuân, xã Chí Tân, huyện Khoái Châu, là nơi tôn thờ ” Thượng đẳng thần” tướng Linh Lang gắn với sự tích anh hùng của buổi đầu giữ nước, dựng nước của dân tộc.
Tương truyền: ” Khi xưa giặc Tống đến xâm lược nước ta, quân giặc đến miền Quốc Oai, nhà vua lo lắng sai sứ giả đi chiêu mộ người tài. Vương đang nằm nghe thấy sứ giả liền xin mẹ mời sứ giả vào. Ông xin nhà vua sắm cho một ngọn cờ hồng, một cây giáo dài, một thớt voi đực. Nhà vua chuẩn theo lời đề nghị mà còn cấp thêm hơn 10 vạn binh lính, mộ thêm 121 nghĩa sỹ của bản trại. Đến phủ Phú Lương, ngọn cờ đào vừa vùng lên, quân giặc tan vỡ. Đức Linh Lang trên đường đánh trận qua vùng này gặp dân làng bị dịch đậu mùa hoành hành. Hay tin, Đức Vương cùng quan quân chữa chạy cho dân. Song không may Đức Vương và một số quân sĩ bị lây bệnh, nhân dân đã quây cót, lợp mái lá để che gió chữa bệnh cho ngài.  Sau khi thắng trận, Linh Lang trở về đất cũ, ít lâu sau thì hoá ở đấy. Nhà vua phong tước cho Linh Lang là “Thượng đẳng thần và cho sửa lại nơi ở cũ của người để làm nơi thờ cúng.
Ngôi đền nằm ngoài đê sông Hồng giữa một không gian thoáng đãng. Đền có kiến trúc tổng thể theo kiểu chữ Đinh bao gồm: Tiền tế 5 gian, hậu cung 5 gian liên kết bộ vì theo kiểu chồng rường, mái lợp ngói mũi hài. Tại toà tiền tế đặt một cỗ ngai lớn chạm khắc hình rồng, hoa lá cách điệu, các nét chạm mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 19. Dưới ngai thờ thần là tượng 2 tuỳ tướng được tạo tác khá đẹp và phóng khoáng.

Toàn cảnh đền Cót

Hậu cung 5 gian, gian chính giữa ở vị trí cao nhất đặt tượng Linh Lang đại vương, tượng có nét mặt cao sang thanh tú. Ngoài ra đền còn có nhiều đồ thờ tự khác như: hoành phi, câu đối, nhang án, long ngai, bát bửu cùng các đồ tế khí,…
Đặc biệt là trong khuôn viên ngôi đền có khóm si cổ thụ xum xuê:

” Cây si cổ thụ tự bao giờ
Xum xuê tỏa bóng cảnh nên thơ
Đẹp lòng du khách khi vãn cảnh
Vừa ý thập phương đến nơi này “.

Khóm si cổ thụ tại đền Cót

Đó là điểm nhấn của di tích, có lẽ là khóm si cổ thụ ” là một trong những cây có tuổi thọ ở Hưng Yên. Tương truyền: khóm si có từ thời Lý.  Vào mùa nước gốc si già cỗi thường bị mục ruỗng. Những cây si bây giờ là những rễ cây hậu duệ bao đời của những cây đời trước nối tiếp nhau sinh sôi, qua nhiều năm đã trở thành một khóm rừng si um tùm rậm rạp. Khóm si cổ hùng vĩ và quý hiếm, nhìn rất lạ và độc đáo. Bộ rễ si um tùm, trông rất ấn tượng và thơ mộng được cắt tỉa thành cổng đền. Những bộ rễ ấy trông tựa như ông tiên phúc hậu, chùm râu bạc phất phơ. Có khóm si nom giống con rồng đang bay. Lại thấy khóm si có cây gạo cổ thụ mọc tít trên ngọn, mùa này đang nở hoa đỏ, lấp lánh như những ánh đèn thắp trên không trung. Trong vườn si rậm rạp, có chùm rễ từ thân cây lao thẳng xuống, bám vào đất hay vắt vẻo từ cây nọ sang cây kia như cánh tay người khổng lồ đang vươn ra, có những rễ cây to một vòng tay người ôm.
Di tích được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích Quốc gia năm 1989. Là một địa chỉ giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Huệ






TIN BÀI LIÊN QUAN