Nơi lưu giữ hệ thống di vật bằng đá – Đền bà Chúa Mụa

Tại vùng đất bãi ven sông Cửu An hiền hòa, câu chuyện về Bà chúa Mụa – Trịnh Thị Ngọc Am, người con gái xinh đẹp tài đức vẹn toàn, Đệ nhất cung tần của chúa Trịnh Tráng được đời đời ghi ơn. Bà là người con ưu tú của quê hương Hưng Yên […]

        Tại vùng đất bãi ven sông Cửu An hiền hòa, câu chuyện về Bà chúa Mụa – Trịnh Thị Ngọc Am, người con gái xinh đẹp tài đức vẹn toàn, Đệ nhất cung tần của chúa Trịnh Tráng được đời đời ghi ơn. Bà là người con ưu tú của quê hương Hưng Yên đã có công với nước với dân nên được thờ tại đền Bà Chúa Mụa ở xã Vũ Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.


Ảnh : Ngaymoionline.vn/

Theo sử sách và các cụ trong làng kể lại rằng: Cách đây khoảng 400 năm, thuộc làng Mụa, tổng Thiên Thi, phủ Khoái Châu xưa, nay thuộc thuộc thôn Cộng Vũ, xã Vũ Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên có một gia đình họ Trần quyền quý, sinh được 8 người con. Trong đó có 2 người con trai rất khôi ngô tuấn tú và sau này trở thành 2 vị Quận công tài ba phò vua Lê chúa Trịnh giúp dân cứu nước, đó là Quân công Trần Bộ Phúc và Quận Công Trần Trực Phúc. Đặc biệt là người con gái sinh ngày 5/5/1580 có tên là Trần Thị Cư. Ngay từ khi sinh ra đã nổi tiếng xinh đẹp, tài đức vẹn toàn, lại có giọng hát trầm bổng, thánh thót như suối reo. Một hôm trên đường cái quan, chúa Trịnh Tráng cùng quân quan đi kinh lý qua khu dân đang lao động. Nhà chúa bỗng nghe tiếng hát từ xa vọng lại. Hát rằng:

Tay cầm bán nguyệt xênh xang
Một trăm thức cỏ lai hàng tay ta”

Chúa Trịnh Tráng bèn cho mời cô gái vừa hát vừa cắt cỏ dưới đồng lên hỏi chuyện. Cô thôn nữ vừa đẹp người, vừa hát hay lại đối đáp khẩu khí khác người, tỏ rõ sự nền nã mà kiêu sa thông tuệ. Chúa truyền rước nàng về Thăng Long và phong làm Đệ nhất cung tần. Với tài năng và đức độ của mình, bà đã giúp chúa cai quản nội cung, chỉ dạy các cung tần mỹ nữ, củng cố mối đoàn kết giữa phủ chúa với triều đình nhà Lê. Cảm kích trước những việc làm đức độ của bà, chúa Trịnh đã ban phước tính đổi họ cho bà từ họ Trần sang họ của Chúa rồi đổi tên là Trịnh Thị Ngọc Am. Chúa Trịnh rất coi trọng và thường xuyên mời bà bàn bạc việc an dân trị quốc. Tài năng và tấm lòng cao cả của bà đã ảnh hưởng không nhỏ tới tư tưởng, đường lối và các quyết định liên quan đến vận mệnh đất nước thời bấy giờ.
Sau một thời gian, bà sinh được một người con gái, được Chúa hết mực yêu quý, đặt tên con là Trịnh Thị Minh và ban cho bốn đĩa vàng và một đĩa bạc làm vật gia bảo. Trời bắt tội, Công chúa Trịnh Thị Minh sớm qua đời để lại nỗi thương xót tột độ cho bà Ngọc Am. Qúa đau khổ, bà muốn xa lánh thế tục nhiều hệ luỵ, oan trái nên đã xin Chúa Trịnh Tráng cho bà về quê xuống tóc ăn mày cửa Phật. Chúa Trịnh không thể giữ được bà nơi cung cấm, đã cho khai con sông nhánh đi qua làng Mụa để vận chuyển gỗ, đá xây sẵn cho bà một ngôi đền và một ngọn tháp.
Từ khi rời phủ Chúa, hàng ngày bà lên tháp tưởng vọng về phủ Chúa ở Thăng Long. Bà là người giàu lòng nhân đức hay giúp đỡ mọi người và cầu Phật ban phúc lành cho dân. Với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, bà đã bỏ tiền cho xây dựng nhiều chùa, trường học, tu sửa chùa chiền quanh vùng, giúp dân khai khẩn ruộng đất, khơi dòng đào sông, ban phát đất cho dân nghèo, dạy dân trồng dâu nuôi tằm… Bà giàu lòng nhân đức hay giúp đỡ mọi người và cầu phật ban phúc lành cho dân chúng. Năm 1633 bà đi học Phật Pháp tại chùa Phật tích và đắc đạo tại đó. Năm 1648 bà mất, thọ 68 tuổi, nhân dân tôn thờ bà làm thần và lập đền thờ tại nhiều nơi trong đó có đền Mụa là quê hương của bà Chúa (thuộc xã Vũ Xá, huyện Kim Động, Hưng Yên). Chính vì thế bà được tôn vinh làm “Thánh quang Bồ Tát” và trở thành niềm tự hào của người Xứ Nhãn.
Đền Mụa được xây dựng vào thế kỷ XVII, trùng tu vào thời Nguyễn, kiến trúc chữ Nhị. Trong chiến tranh đền đã bị phá dỡ nặng nề, giặc phá tháp lấy đồng chì rèn đúc vũ khí. Nhân dân đã cất dấu được tượng bà và các pho tượng đá cùng ngọn tháp. Đền đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo như 1942,1970, 1971, 1999, 2009, 2010 và có quy mô như hiện nay. Đây không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, nghệ thuật mà còn ghi dấu hệ thống di vật bằng đá thế kỷ 17.

 

Đặc biệt phải kể đến là tháp Cửu phẩm Liên Hoa, trước kia tháp cao trăm bậc ghép nối bằng hàng trăm phiến đá nhưng do chiến tranh tháp không còn nguyên vẹn, nay chỉ còn ngọn tháp. Ngọn tháp có hình nậm rượu đặt trên khối đá cổ chạm khắc hình Bà Chúa đang ngồi sập với dáng vẻ uy nghi, bên cạnh có hầu nữ trẻ đang quạt cho bà và được theo họ của bà là Trần Thị Ngọc Anh người huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Tháp được làm từ các phiến đá do các nghệ nhân danh tiếng đục đẽo rất công phu tạo từng phần, từng mái đá được ghép với nhau bằng chì rất chắc chắn. Dấu tích này không những khẳng định giá trị nghệ thuật mà còn thể hiện giá trị văn hóa thời kì bấy giờ.

Đặc sắc hơn cả là tượng Bà Chúa Mụa trong hậu cung: tượng đá, to bằng người thật ngồi trên tòa sen, đầu đội vương miện, giữa vương miện chạm nổi hình phật tổ Như Lai, tai đeo bông hoa to, chân xếp bằng tròn theo kiểu ngồi thiền. Đây được coi là bức tượng cổ quý hiếm, đẹp nhất trong số các bức tượng đẹp ở Việt Nam. Bởi khuôn mặt của bức tượng là vẻ mặt khuê các, sáng sủa, thanh cao, cổ cao 3 ngấn, điều này đã tôn lên là con người rất hiểu biết văn hóa, bức tượng bà Chúa được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật. Được biết, đây là bức tượng được chúa Trịnh Tráng cho thợ tạc tượng khi bà đang sống và bà ngồi làm mẫu năm 1634. Hiện nay tại Bảo tàng Hưng Yên đang lưu giữ một bức tượng bà chúa Mụa được phục chế từ nguyên bản bức tượng này.
Trong đền còn phối thờ vị Quận công là em của bà Chúa đã có công với đất nước. Và ban thờ con gái của bà là Thụy Minh công chúa. Năm 1963 khi đào sông Cửu An – một công trình thuỷ lợi quan trọng của địa phương, dân công đã đào thấy những báu vật trước cửa đền. Đó là đĩa vàng, đĩa bạc mà chúa Trịnh tặng cho con gái Trịnh Thị Minh, trên đĩa có dòng chữ Hán ” Thụy Minh công chúa Kim phụ lai bút tinh công chúa” ( nghĩa là vàng bạc của vua ban cho con là Thụy Minh công chúa).
Hiện trong đền còn giữ được nhiều hiện vật quý như: 1 bia dựng năm 1634 ghi tiểu sử của bà Chúa Mụa, tấm bia thứ 2 dựng năm 1650 ghi nhận công lao của bà với dân làng; tại tòa đại bái có một bức đại tự lớn khắc 3 chữ Uy linh từ, dưới bức đại tự là nhang án bằng  đá có khắc 3 bức phù điêu Long cuốn thuỷ, các bức hoành phi, câu đối, cửa võng được sơn son thếp vàng, chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt được chạm nổi theo kiến trúc thời Lý rất tinh xảo.
Ngoài giá trị về văn hoá, đền Bà Chúa Mụa còn ghi dấu nhiều sự kiện trong quá trình phát triển đi lên của địa phương. Nơi đây là nơi hội họp bí mật của Đảng bộ địa phương thời kỳ địch càn quét gay gắt nhất. Cũng là nơi các đơn vị thuộc Trung đoàn chủ lực 64 và các đại đội bộ đội địa phương tỉnh luân phiên về đóng quân, rèn cán.
Đền Bà Chúa Mụa đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 26/6/1995. Cùng với đền Mụa, bà còn được thờ ở chùa Phật tích( Bắc Ninh), chùa Giao quang tự (làng Xuân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội),…
Hàng năm, nhân dân lấy ngày mất của bà là ngày mùng 4 tháng giêng âm lịch để tổ chức lễ hội tưởng nhớ tới công lao to lớn của Đệ nhất cung tần. Quần thể di tích đền bà Chúa Mụa dần trở thành điểm du lịch tâm linh, hấp dẫn du khách.

TTTTXTDLHY






TIN BÀI LIÊN QUAN