Lễ hội truyền thống đền Đa Hoà và lễ hội đền Hoá Dạ Trạch được ghi danh vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Lễ hội tưởng nhớ về một tình yêu bất tử, ca ngợi lòng hiếu thảo, đạo làm người và tôn vinh công lao của Đức Thánh Chử cùng nhị vị phu nhân có công mở mang bờ cõi, cứu nhân độ thế.
Nghi lễ rước nước tại sông Hồng
Theo truyền thuyết, Chử Đồng Tử là một chàng trai đánh cá nghèo, con ông Chử Cù Vân. Hàng ngày hai cha con chung nhau một chiếc khố, khi cha mất đi, vì lòng hiếu thảo, Chử Đồng Tử đã chôn chiếc khố cùng cha, còn mình thì ở trần, ngâm mình dưới nước, bắt cua cá kiếm sống qua ngày. Nhân duyên trời định đã cho chàng gặp và kết duyên với nàng công chúa Tiên Dung- con gái vua Hùng Vương thứ 18. Hai người cứ thế sống một cuộc sống bình dị và hạnh phúc. Một hôm, trên đường đi chữa bệnh, hai vợ chồng gặp Tây Nương, là con nhà gia giáo, giỏi nghề bốc thuốc, Tiên Dung liền ngỏ ý muốn lấy nàng làm thiếp cho Chử Đồng Tử. Tây Nương đồng ý và ba người đã cùng nhau đi khắp vùng cứu chữa cho nhân dân. Một hôm trời đã tối mà không có chỗ nghỉ, hai vợ chồng dừng chân cắm cây gậy và úp nón lên trên rồi cùng nghỉ. Bỗng nửa đêm chỗ đó nổi lên thành quách, cung điện nguy nga với đầy đủ người hầu kẻ hạ. Tin Chử Đồng Tử - Tiên Dung có cung điện, vua cha ngờ rằng hai người làm loạn nên sai quân đến đánh, nhưng Tiên Dung không kháng cự cha mình. Đêm hôm ấy cả lâu đài và tam vị đã được đưa về trời bằng trận cuồng phong, bão lớn để lại vùng đất ấy một cái đầm, sau này gọi là đầm Nhất Dạ. Từ đó, đền Đa Hoà trở thành nơi tác thành mối lương duyên kỳ ngộ giữa chàng trai nghèo họ Chử và nàng công chúa Tiên Dung xinh đẹp. Đền Hoá Dạ Trạch là nơi Đức thánh Chử cùng Nhị vị phu nhân hoá về trời.
Nghi lễ rước nước về lễ Thánh
Cứ ba năm một lần, lễ hội lại được tổ chức với quy mô lớn, thu hút hàng vạn lượt du khách trong cả nước về trẩy hội. Mở màn là lễ rước Thành Hoàng làng của 9 làng thuộc Tổng Mễ xưa về đền Đa Hoà. Khi đoàn rước kiệu của các làng về đến sân đền trình Đức Thánh, dân làng cùng nhau ôn lại truyền thuyết về mối tình Chử Đồng Tử-Tiên Dung. Ngày thứ hai diễn ra Lễ rước nước. Lễ rước nước là một nghi thức tâm linh rất đặc sắc, biểu hiện tín ngưỡng của cư dân sống ở ven sông Hồng với nền văn minh lúa nước, cầu mong một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Đoàn rước uy nghi rồng vàng dẫn đầu, đi sau là ban nhạc lễ, kiệu Thánh, cùng bát bửu, chấp kích, kiệu choé. Hàng ngàn người trong trang phục chỉnh tề, trang trọng, sắc màu rực rỡ cùng tiếng chiêng, tiếng trống giục giã làm náo nức cả dòng người trảy hội. Đoàn du thuyền ra đến giữa dòng thì dừng lại, một cụ già có đức độ, khoẻ mạnh, mặc lễ phục, tay cầm gáo dừa múc nước đổ vào choé cho đến khi đầy. Sau đó cả đoàn rước nước về đền lễ Thánh.
Nghi lễ rước kiệu Thánh
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung không chỉ đặc sắc ở những nghi lễ truyền thống, du khách đến lễ hội còn được thưởng thức điệu múa “Đĩ đánh bồng” thực sự hấp dẫn. Những chàng trai hoá thân thành gái trong trang phục sặc sỡ, đội khăn mỏ quạ, khoác trống cơm nhảy múa, lúng liếng cười, “lẳng lơ như con đĩ đánh bồng”, làm cho không khí lễ hội càng trở nên náo nhiệt.
Điệu múa "con đĩ đánh bồng"
Hoà cùng dòng người trẩy hội, du khách còn được tham gia nhiều trò chơi dân gian truyền thống, giao lưu văn nghệ hấp dẫn như: Bơi chải, hát trống quân, đập niêu đất, đi cầu kiều…; thưởng thức những đặc sản nổi tiếng mà chỉ vùng đất Khoái Châu mới có: những món ngon từ gà Đông Tảo, miến dong được làm từ những củ dong giềng trồng trên bãi bồi phù sa sông Hồng, những trái cam, trái bưởi ngọt đậm; hoà mình trong khung cảnh nên thơ trữ tình của đền Đa Hoà - nơi được coi là “chốn bồng lai tiên cảnh”.
Nghi lễ rước kiệu Gậy - Nón tại lễ hội đền Hoá Dạ Trạch
Đến hẹn lại lên, mùa xuân năm nay mình cùng đi trẩy hội Đồng Tử - Tiên Dung, hoà mình cùng đoàn rước, chiêm nghiệm các nghi thức với niềm háo hức tươi vui. Đâu đó văng vẳng tiếng chiêng tiếng trống giục giã, rộn ràng cờ hoa, áo quần rực rỡ sắc màu và những tiếng cười giòn giã mỗi khi trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống.
TTDL