Đến đây, du khách không chỉ được tham quan, chiêm bái di tích, lắng nghe những câu chuyện về đạo hiếu, về mối tình thủy chung son sắc Tống Trân - Cúc Hoa mà còn được trải nghiệm và cảm nhận những nét đẹp trong lễ hội truyền thống.
Tương truyền: Tống Trân người xã An Đô, tổng Võng Phan, huyện Phù Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). Từ nhỏ, Tống Trân đã học rất giỏi về Âm luật, có khí chất thông minh, học một biết mười, thiên tư sáng suốt. Khi cha qua đời, gia cảnh sa sút, Tống Trân phải dắt mẹ đi cầu thực, cầu tài. Đến xin ăn ở một gia đình trưởng giả giàu có nhưng keo kiệt, được Cúc Hoa con gái trưởng giả dấu cha mẹ cho cơm. Không may bị cha bắt gặp và từ chối nhận con nên nàng đã theo mẹ con Tống Trân về quê làm ăn, tần tảo lo cơm cháo qua ngày để Tống Trân ngày đêm rùi mài kinh sử.
Năm lên 7 tuổi, Tống Trân thi đỗ Trạng nguyên, vua ban thưởng cho về vinh quy bái tổ, sau đó kết duyên với Cúc Hoa, dựng nhà cho mẹ và vợ rồi trở về kinh thành. Ngài vâng lệnh vua đi sứ Bắc quốc 10 năm. Qua nhiều lần thử tài quan Trạng, vua Tàu đã thán phục phong ngài là " Lưỡng quốc Trạng nguyên". Dù bị ép lấy công chúa nước Việt, nước Tàu nhưng ngài vẫn giữ trọn mối tình son sắc với người vợ hiền ở quê nhà. Trở về, hay tin Cúc Hoa bị cha ép lấy chồng khác, khi hiểu được sự tình, biết vợ vẫn chung thủy, ngài đón vợ và mẹ về đoàn tụ. Về sau ngài ra làm quan "Phụ chính đại thần". Khi đã ngoài 60, ngài cáo quan về quê mở lớp dạy học. Khi mất, ngài được triều đình truy phong làm "Thượng đẳng phúc thần" và truyền cho dân làng lập đền thờ. Đến nay dân gian còn truyền lại câu ca:
" Bảy tuổi Trạng nguyên lừng đất Việt
Mười năm tứ tiết khiết trời Ngô"
Theo tư liệu Hán Nôm còn giữ, đền Tống Trân được khởi dựng từ sớm, có tên tự là Tiên căn linh từ, nhân dân gọi nôm là đền quan Trạng. Ngôi đền xây dựng trên thế đất long chầu hổ phục với diện tích rộng, thoáng mát. Trải qua nhiều lần được tu tạo lại, hiện nay, ngôi đền có các hạng mục: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Hiện nay, đền còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị như: cờ Tiết Mao (đây là điểm khác biệt, chỉ những vị quan bên Tàu mới được thờ cờ Tiết Mao); thần tích, 7 sắc phong có niên đại thời Nguyễn, câu đối, đôi lọ hoa cổ niên đại thời Thanh, chất liệu sứ men lam.
Để tưởng nhớ đến công lao của bậc hiền tài, lễ hội đền Tống Trân được tổ chức từ ngày mùng 9 -17 tháng 4 âm lịch. Lễ hội là sự tái hiện truyền thuyết về Tống Trân - Cúc Hoa. Ngày mùng 10 dân làng An Cầu làm lễ rước nước và nghiên bút từ ngã ba sông Luộc, khu vực bến đò Nông thuộc thôn An Cầu về đền. Đây là phần đặc sắc nhất, tạo sự khác biệt của lễ hội đền Tống Trân với các lễ hội khác. Không chỉ là một nghi lễ được lưu truyền từ xa xưa mà còn là nét đẹp văn hóa tôn vinh việc học hành. Sáng sớm, đoàn rước kiệu ra sông thực hiện nghi lễ lấy nước tại vị trí xưa kia Trạng nguyên Tống Trân thả nghiên bút. Theo tục truyền, khi người dân đến đền làm lễ và xin nước từ trong bình thủy đựng nước để ở đền xoa vào đầu trẻ con thì những đứa trẻ đó sẽ sáng dạ và học giỏi. Vì thế, mỗi mùa thi có khá đông các sĩ tử cùng người thân đến làm lễ, dâng vở, bút, xin phước của Trạng nguyên Tống Trân, cầu mong được thi cử đỗ đạt.
Đến với đền Tống Trân, du khách không chỉ chiêm ngưỡng một ngôi đền đẹp về cảnh quan, đặc sắc về giá trị lịch sử văn hóa và nghệ thuật kiến trúc. Mà còn được chứng kiến những nghi lễ đặc sắc, được hòa mình vào những sinh hoạt văn hóa, phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Phòng Thông tin Du lịch - TTXTDLHY