Hát Trống quân – Làn điệu cổ hồi sinh

Ngày đăng: 16/01/2018
Hát Trống quân là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, một hình thức hát giao duyên từ lâu của người Việt ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian này cũng đã tồn tại hàng trăm năm, phát triển rộng khắp trên các địa phương.

 Hát Trống quân là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, một hình thức hát giao duyên từ lâu của người Việt ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian này cũng đã tồn tại hàng trăm năm, phát triển rộng khắp trên các địa bàn tỉnh Hưng Yên. Hát trống quân Hưng Yên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ở mỗi vùng văn hóa, hát Trống quân luôn mang những dáng vẻ riêng, mang đậm ảnh hưởng của văn hóa bản địa.
Loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian này được nhiều người coi như một thành tố mang tính phổ quát cao trong tổng thể kho tàng văn hóa âm nhạc dân gian Việt Nam. Hát Trống quân là dịp để người các làng hoặc các hội giao lưu phô diễn tài nghệ đối đáp, trao đổi tâm tình trai gái, thể hiện sự hiểu biết, trí thông minh của người hát và những người cùng hội. Hát Trống quân dễ đi vào lòng người vì nhạc điệu uyển chuyển, tùy hứng, lên bổng xuống trầm theo không khí đêm hội. Lời hát mang đậm chất dân gian mà chủ yếu là lời từ ca dao, hát ví, hát đố, hoặc sử dụng các tích trò truyền thống. Lời hát dùng nhiều điển tích đòi hỏi người hát phải học hỏi, tìm hiểu nhiều mới ứng xử, bắt vần, đối đáp được lời hát của bạn chơi.


CLB trống quân Dạ Trạch- Khoái Châu- Hưng Yên

Hát Trống quân ở Hưng Yên khác với hát Trống quân ở các nơi khác bởi có tính độc đáo ở chỗ vừa hát đáp, vừa sáng tạo hát hỏi. Và hỏi trong đáp tạo ra sự cuốn hút hấp dẫn nhau nhờ đó đẩy cuộc hát đến đỉnh cao trào.  Diễn tiến của một canh hát gồm có: Hát gọi, hát đáp, hát chào, hát mời, hát giao hẹn đến hát ướm, hát thách cuối cùng là hát họa, hát đối đáp.  Hát Trống quân xưa kia phổ biến rộng khắp các vùng trong tỉnh, ngày nay  bị mai một nhiều. Hội điểm hát lâu năm thành truyền thống là các làng thuộc các huyện Ân Thi, Khoái Châu, Văn Giang, Mỹ Hào…
Nhạc cụ đệm cho hát Trống quân ở nhiều nơi là loại trống có tang (bằng gỗ hoặc bằng kim loại), hình dạng như trống đế Chèo. Riêng nhạc cụ đệm cho hát Trống quân một số nơi ở Hưng Yên là trống tự tạo tại chỗ, thường gọi là trống đất. Chiếc trống thực chất là một chiếc thùng gỗ, kèm theo một đoạn dây mây, một cái chạc để kê dây, hai cọc để buộc dây và dùi trống để người hát vừa hát vừa gõ nhịp. Hai người ngồi đối diện nhau vừa hát vừa cầm dùi gõ nhịp lên dây mây, tiếng khoan tiếng nhặt đều đặn hòa với lời hát đối đáp của trai gái, đôi này hát xong lại chuyển cho đôi khác hát tiếp cho đến khi tàn hội, hát chào, hát giã bạn mọi người mới dần ra về.
Chỉ có Hưng Yên mới giữ được nhạc cụ trống đất này. Người Hưng Yên lấy Đất Mẹ là hộp truyền âm, một nhạc cụ hòa hợp giữa đất – trời, âm – dương để giúp cho con người trong cuộc vui dưới trăng. Những nghệ sĩ dân gian hát với đất – trời hòa âm cùng trống đất. Người nghe như thấm đậm hồn đất, tình người. Trống quân được lập tại chỗ của một nhóm giao duyên, là một nhạc cụ dân gian độc đáo tinh hoa của hồn đất tình người.
Tại Xã Dạ Trạch huyện Khoái Châu là một trong những nơi thuộc tỉnh Hưng Yên còn lưu giữ được điệu hát trống quân. Điểm đặc sắc nữa của hát Trống quân là không có lời bài hát cố định, đòi hỏi khả năng ứng tác nhanh. Trước đây, mỗi lần vào đám hát trống quân, nam nữ trong làng tụ hội lại, khi người nữ hoặc người nam ngồi xuống xướng lên lời chào, trong đám có đối đáp được thì vào hát, hoàn toàn ngẫu hứng.

Hát trống quân ở Dạ Trạch không biết có từ bao giờ. Nhưng theo truyền thuyết kể lại rằng: Vào đời vua Hùng thứ 3, công chúa Tiên Dung trong một chuyến du ngoạn dọc theo sông Hồng đã có mối duyên kì ngộ với chàng trai nghèo Chử Đồng Tử. Đôi vợ chồng không môn đăng hộ đối ấy đã cùng người dân cải tạo cả một vùng lau sậy bạt ngàn và những bãi cát hoang sơ thành làng quê trù phú. Công chúa Tiên Dung đã dạy nhân dân cách trồng lúa, ươm tơ, dệt vải và dạy cả điệu hát trống quân. Tương truyền thì điệu hát Trống quân ra đời từ đó. Nhưng chắc chắn đây là làn điệu dân ca của người dân đồng bằng Bắc Bộ, một điệu hát giao duyên ứng tác còn tồn tại trên mảnh đất Dạ Trạch.
Trải qua bao thăng trầm, rồi qua cả một thời gian dài bị chìm lắng tưởng chừng như không còn ai nhớ đến tiếng hát Trống quân dìu dặt ấy nữa, thì đến năm 1994, hát Trống quân ở Dạ Trạch đã có dịp được hồi sinh. Với người dân Dạ Trạch, một làn điệu dân ca cổ còn lưu truyền và phát triển làm đẹp thêm truyền thống văn hóa làng quê mới là điều đáng quý. Tâm niệm đó không phải chỉ của các bậc nghệ nhân mà của cả lớp diễn viên trẻ của dân làng bên bờ đầm Dạ Trạch có câu chuyện huyền thoại Chử Đồng Tử và Tiên Dung.
Từ năm 1994 đến nay, với 19 thành viên, CLB hát trống quân Dạ Trạch vẫn được tổ chức sinh hoạt đều đặn và tham gia nhiều buổi biểu diễn, các chương trình văn hóa- văn nghệ trong và ngoài tỉnh, đem về những tấm huy chương danh giá cho làn điệu Trống quân. Năm 2015, các nghệ nhân cũng đã được phong tặng danh hiệu ” Nghệ nhân ưu tú” . Điều đặc biệt là hát Trống quân đã được đưa vào Khoa sáng tác- Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam như một môn học chính.
Để lời hát xưa không bị mất đi, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch, các nghệ nhân đã nhiệt tình truyền lại cho lớp trẻ cách hát Trống quân thông qua các buổi học ngoại khóa tại trường tiểu học Dạ Trạch và THCS Dạ Trạch. Các nghệ nhân ưu tú sẽ là những hạt nhân nòng cốt, là những người thầy trong việc truyền bá những di sản văn hóa phi vật thể trong toàn tỉnh Hưng Yên nói riêng và trên khắp cả nước nói chung.

Mong rằng, ngoài tình yêu với những cố gắng của CLB hát Trống quân Dạ Trạch, thế hệ trẻ hôm nay và mai sau sớm nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn làn điệu Trống quân cũng như phát triển nét văn hóa đặc sắc này một cách bền vững, là niềm tự hào của vùng đất Hưng Yên ” Thứ nhất kinh kì, thứ nhì Phố Hiến”.

Nguyễn Huệ






TIN BÀI LIÊN QUAN