Đền Thiên Hậu – Công trình mang đậm kiến trúc Trung Hoa

Toạ lạc trên phố Bắc Hoà - trung tâm của Phố Hiến xưa, nay là đường Trưng Trắc, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên. Đền Thiên Hậu là một công trình mang đậm màu sắc kiến trúc của nền văn hóa Trung Hoa đan xen với kiến trúc cổ của người Việt.

Ngôi đền thờ bà Lâm Tức Mặc, là vị thần hàng hải người Trung Quốc, được nhân dân tôn làm Thiên Hậu. Theo “Đại Thanh nhất thống chí” bà là người Phúc Kiến (Trung Quốc), với huyền thoại khi bà được sinh ra có hương thơm ngào ngạt, hào quang rực rỡ, lớn lên có phép màu cưỡi chiếu bay trên biển. Bà phát hiện ra một thứ rong biển dùng nấu thạch làm thức ăn cứu đói cho dân và tìm ra một thứ dầu ăn gọi là ma mộc rút từ cây vừng giúp dân nghèo vượt qua những trận đói nghèo. Bà tinh thông y thuật nên thường trị bệnh cứu người, dậy dân cách phòng bệnh dịch, được mọi người vô cùng mến phục. Ngày 9/9 âm lịch, bà không bệnh mà hoá. Sau khi hóa, bà thường mặc áo đỏ bay lượn trên biển cứu hộ tàu bè đi lại. Người Phúc Kiến tôn bà là Thần hàng hải nên di cư đến đâu mang thần tích lập đền thờ đến đó.

Đền được xây dựng vào thế kỷ XVI – XVII, do 14 dòng họ người Trung Quốc ở Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến sinh sống tại Phố Hiến quyên góp vật liệu chuyển sang bằng đường biển, đồng thời kết hợp với các nghệ nhân người Việt cất dựng. Tổng thể đền Thiên Hậu gồm nhiều hạng mục như: Tam quan, Thiêu hương, Hậu cung, hai dãy Giải vũ.

Tam quan của đền cao và rộng, tường bao hai bên trang trí các ô vuông bằng gạch men hoa màu xanh lam rất đẹp, phía trên cửa chính đắp nổi bức đại tự “ Thiên Hậu Cung”. Trước Tam quan có hai con nghê chầu làm bằng chất liệu đá hoa cương được tạo tác khá sinh động, vẻ đẹp của đôi nghê đã đi vào câu ca:

“Ai về tỉnh lỵ Hưng Yên

Thăm đền Thiên Hậu đôi bên nghê chầu

Con Dương ngậm ngọc Bích Châu

Con Âm sữa ngọt một bầu nuôi con”

Hình ảnh hai con nghê đã nói lên quan niệm sống của người Trung Hoa, được của và được con là hạnh phúc lớn nhất của con người.

Tiếp đến là toà Thiêu hương làm kiểu chồng diêm với khoảng cách cổ diêm rất ngắn, thân cột đỡ mái làm hình lục giác, trên các vì, cánh cửa đều chạm khắc đề tài trong các tích truyện của Trung Hoa như Tam Quốc, Tây Du Ký, Điêu Thuyền, Khổng Minh… Ở bốn đầu đao phía dưới các xà trang trí hình bông sen úp xuống mềm mại làm cho toà Thiêu hương thêm phần rực rỡ, tráng lệ đã được các nghệ nhân xưa thể hiện rõ phong cách kiến trúc Phúc Kiến, Trung Quốc.

Hai bên toà Thiêu hương, bên tả là Thanh Long, bên hữu là Bạch Hổ được xây theo kiểu truyền thống, bốn đầu đao cong. Trên tường trang trí hoa đang nở với chủ đề: Xuân, Hạ, Thu, Đông, chim muông,…

Lối kiến trúc độc đáo thể hiện ở toà Hậu cung, các bộ vì được kết cấu kiểu chồng rường cánh. Mái lợp ngói mũi hài, nền lát gạch Bát Tràng. Bộ vì ở gian trung tâm được tạo dáng khá đặc biệt mang rõ phong cách kiến trúc Trung Hoa, các con rường được tạo tác uốn lượn mang hình dáng vai bừa chạy dài nối nhau từ trên đỉnh nóc xuống được kê lên các đấu có vân xoắn hình sóng nước nhô ra và các đấu tròn được tạo tác giống bông hoa úp ngược. Các mảng chạm khắc được kết hợp nhiều chủ đề như sư tử hý, phượng hàm thư, rùa, dơi,… mang phong cách nghệ thuật Trung Hoa. Tại gian trung tâm Hậu cung đặt một khám thờ lớn, đây là cỗ khám cổ được các nghệ nhân xưa chạm khắc rất cầu kỳ và tinh xảo, cửa khám trang trí nhiều hoa lá cách điệu,…Trong khám đặt ngai và bài trí các pho tượng Thiên Thượng Thánh Mẫu. Đây là các pho tượng của một số tỉnh Phúc Kiến xưa  cung tiến. Các pho tượng đều được tạc trong tư thế ngồi thiền, đầu đội mũ, choàng khăn phủ dài trông phúc hậu.

Ngoài gian thờ chính, hai bên còn có ban thờ cha mẹ và anh ruột của bà cùng ban thờ các dòng họ người Hoa đã có công xây dựng và tôn tạo đền.

Ngôi đền còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự, cổ vật có giá trị liên quan đến việc đi sông biển và ngợi ca tài danh của vị nữ thần như: sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối, kiệu Mẫu có niên đại thế kỷ XVII và nhiều đồ tế tự được mang từ Trung Quốc sang.

Hàng năm, đền Thiên Hậu mở hội vào ngày 23 tháng 3 âm lịch là ngày sinh và ngày 9 tháng 9 âm lịch là ngày hóa của bà. Vào những ngày này, nhân dân người Hoa, người Việt đến dự tế lễ, rước kiệu rất đông vui và trang trọng. Lễ vật được dâng lên là những món ăn truyền thống của người Hoa như bánh Rong Câu, kẹo Sìu, bánh Rùa, bánh Tô Châu.

Đền Thiên Hậu đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1992 và là một trong 16 di tích tiêu biểu thuộc Di tích quốc gia đặc biệt “Khu di tích Phố Hiến”.

Đây là một di tích đẹp không chỉ có giá trị về mặt văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc mà còn là một di tích tiêu biểu mang đậm phong cách kiến trúc Trung Hoa còn tồn tại ở Phố Hiến - Hưng Yên nói riêng và của đất nước nói chung. Nơi đây sẽ luôn là những điểm tham quan du lịch hấp dẫn, độc đáo với mọi du khách trong và ngoài nước mỗi khi về Phố Hiến.

                                                                                                                                             TTXTDL






TIN BÀI LIÊN QUAN