Chùa Nễ Châu – Công trình nghệ thuật điêu khắc còn mãi với thời gian

Chùa Nễ Châu có tên gọi là Thụy Ứng tự, nằm trên đường Phố Hiến, xã Hồng Nam, Tp Hưng Yên. Là di tích gắn liền với tên tuổi bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, vợ vua Lê Đại Hành. Tương truyền: Khi Lê Hoàn về đóng quân trấn ải ở đây chống quân xâm […]

      Chùa Nễ Châu có tên gọi là Thụy Ứng tự, nằm trên đường Phố Hiến, xã Hồng Nam, Tp Hưng Yên. Là di tích gắn liền với tên tuổi bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, vợ vua Lê Đại Hành.
Tương truyền: Khi Lê Hoàn về đóng quân trấn ải ở đây chống quân xâm lược nhà Tống, thấy bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh xinh đẹp đã lấy bà làm vợ và cho xây “Ngọc Dinh Thự” ở chợ Nễ Châu. Bà đã có công lao rất lớn trong việc động viên chăm lo hậu cần, cung cấp lương thảo nuôi quân. Giặc tan, Lê Hoàn lên ngôi vua, do bà không có con, bà xin ở lại phụng dưỡng cha mẹ và đi tu tại chùa làng. Lê Hoàn cử Giới Quốc công về xây dựng chùa cho bà làm nơi tu hành và cử người con thứ 9 là Lê Long Kính (hiệu Trung Quốc Đại vương) thay mình trấn giữ vùng này và cũng là để chăm nom bà. Khi bà mất, nhà vua cho lập đền thờ ngay phía trước cổng chùa và sắc phong làm “Ngọc Thanh Hoàng hậu”.

Chùa được khởi dựng từ thế kỷ X, đây không chỉ là di tích lịch sử, văn hóa mà còn là công trình nghệ thuật điêu khắc có nhiều giá trị. Trải qua các triều đại, chùa Nễ Châu đều được trùng tu rất nhiều lần. Bố cục chùa được thiết kế theo kiểu “nội công ngoại quốc”, bao gồm các hạng mục như: Tam quan, gác chuông, gác trống, tiền đường, chính điện và tả, hữu hành lang.
Nhà Tiền đường 7 gian được kiến trúc theo kiểu vì kèo đơn giản. Phía trên, ở chính giữa mái nhà có đắp nổi 3 chữ Hán “Thụy Ứng Tự”.
Thượng điện 4 gian được nối trực tiếp và có kiến trúc giống nhà Tiền Đường.

Gác chuông chùa Nễ Châu

Tòa Tiền Đường chạm hình mây với các đao hỏa, ba bức ván lá gió ở giữa chạm lộng hình lưỡng long chầu nhật, hình rồng với các râu tóc hình đao hỏa, thân uốn mềm mại. Những nét hoa văn chạm khắc này cùng những bức  tượng ở chùa đều được đánh giá cao về nghệ thuật điêu khắc.
Bên trong Thượng điện đặt các pho tượng thờ rất đẹp, có dấu ấn rõ nét như: Tượng Tam thế, Di đà tam tôn, Thích Ca sơ sinh, tượng Tuyết Sơn,.... Đặt nổi bật tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn cùng tứ vị Bồ tát là nét đặc trưng khác biệt đối với việc bài trí tượng Phật ở những ngôi chùa khác.

Tượng Tuyết Sơn, một hiện vật có giá trị từ thời Lê được thờ tại Chùa Nễ Châu

Nổi bật về giá trị nghệ thuật điêu khắc hơn cả là bộ tượng Tam Thếtượng Tuyết Sơn. Bộ tượng Tam Thế được tạc bằng gỗ, trong tư thế ngồi thiền trên tòa sen, khuôn mặt mỉm cười đôn hậu, mắt nhìn xuống như đang suy tư, sống mũi cao thẳng. Tượng mặc áo cà sa với những nếp gấp rất đều, tạo ra các làn sóng mỏng trải ra cân đối hai bên thân mình. Tượng được miêu tả trong tư thế tọa thiền, ngồi xếp bằng hai chân, hai bàn tay đặt giữa lòng đùi, bàn tay trái đặt lên giữ bàn tay phải. Các mặt của toà sen đều được khắc hình hoa lá và một số tích truyện của nhà Phật.
Khác với bộ tượng Tam Thế, tượng Tuyết Sơn được tạc trong tư thế ngồi, chân phải co vuông góc với bệ, chân trái co đặt vuông góc với thân, hai tay chồng lên nhau đặt lên đầu gối. Khuôn mặt suy tư, trên trán hằn lên những nếp nhăn, cằm tì lên hai tay. Thân tượng lộ rõ cả xương sườn. Đây là pho tượng cổ , hiện thân của Đức phật Thích Ca giai đoạn tu khổ hạnh trên núi Tuyết Sơn. Tượng Tuyết Sơn là một tác phẩm nghệ thuật rất quý, mang đậm nét phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Hai dãy hành lang của chùa nằm đối xứng, đặt hàng trăm pho tượng với các tư thế, vẻ mặt khác nhau, phác họa đầy đủ các tích truyện của nhà Phật.
Năm 1992, chùa Nễ Châu đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, là một trong 16 di tích trong hệ thống ” Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến”
Hằng năm, chùa Nễ Châu thường tổ chức tế lễ vào các ngày 13-15 tháng Giêng và ngày 15.8 âm lịch, ngày 10.9 (âm lịch).
Đến với chùa Nễ Châu bạn không chỉ được chiêm ngưỡng những giá trị kiến trúc, điêu khắc độc đáo, hơn hết khung cảnh nơi đây đem lại cho bạn một sự tĩnh tâm và yên bình đến khó tả.
                                                                                         Nguyễn Huệ
 

 






TIN BÀI LIÊN QUAN