Cách Hà Nội khoảng 30km là huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên, một vùng đất giàu tiềm năng du lịch có 103 di tích lịch sử văn hóa trong đó nổi tiếng với 16 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như: Chùa Nôm, chùa Thái Lạc, đền Ghênh, chùa Ông,…với các làng nghề truyền thống hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Về huyện Văn Lâm, bạn nhất định nên ghé thăm quần thể di tích làng Nôm thuộc xã Đại Đồng, là nơi gìn giữ được nguyên vẹn dấu tích xưa. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa cổ có tên “Linh thông cổ tự” hay còn gọi là chùa Nôm và khám phá nghệ thuật điêu khắc từ ngàn đời của hơn 100 pho tượng đất cổ mà qua bao biến cố, tượng cổ vẫn còn nguyên vẹn.
Làng Nôm nổi bật với kiến trúc cổ kính, cảnh quan hài hoà và những nét văn hoá mang đậm truyền thồng của một làng quê Việt cổ. Không gian làng Nôm hiện ra từ cổng làng rêu phong, cổ kính, uy nghi, những ngôi nhà cổ soi bóng in mình dưới hồ nước trong xanh, cây đa cổ thụ nghiêng mình che chở ngôi đình Đại Đồng,… Một công trình độc đáo còn nguyên vẹn là cây cầu đá cổ với 9 nhịp, hơn 200 năm tuổi được làm bằng đá xanh nguyên khối. Còn gì thú vị hơn khi được đi chợ Nôm, là chợ phiên còn giữ lại nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người dân làng Nôm. Thật khó mà tìm được ở nơi nào có một không gian bình yên mang đậm nét của làng quê Việt cổ như nơi này.
Toàn cảnh chùa Pháp Vân
Bên cạnh đó, du khách có thể tìm đến một công trình điêu khắc gỗ có giá trị đó là chùa Pháp Vân hay còn gọi chùa Thái Lạc, tọa lạc tại thôn Thái Lạc, xã Lạc Hồng. Chùa thờ Phật và 4 vị nữ thần của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp ở Việt Nam. Tại đây còn lưu giữ 24 bức chạm gỗ và bức cốn thể hiện nhiều đề tài phong phú, toát lên vẻ đẹp độc đáo của ngôi chùa.
Đền Ghênh
Điểm tiếp theo mà du khách nên tìm đến đó là Đền Ghênh hay còn gọi đền Bà Tấm tọa lạc tại thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh. Là nơi lưu giữ dấu ấn lịch sử mang phong cách kiến trúc triều đại nhà Lý, đền thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan – người phụ nữ tài đức vẹn toàn, một bậc Mẫu nghi Thiên hạ suốt đời vì dân vì nước.
Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng
Bạn không thể bỏ qua một địa điểm nổi tiếng từ bao đời nay đó là làng nghề truyền thống Đúc đồng Lộng Thượng hay còn gọi làng Rồng thuộc xã Đại Đồng. Làng nghề từng nổi tiếng hưng thịnh một thời với những sản phẩm được đúc từ đồng như: đỉnh đồng, lư hương, lọ hoa,… Đến đây, bạn sẽ được học hỏi kinh nghiệm và tự tay làm ra một sản phẩm từ đồng dưới sự hướng dẫn của những người thợ tài hoa. Đó sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời và vô cùng ý nghĩa nếu bạn có hứng thú.
Tại thôn Nghĩa Trai xã Tân Quang có làng nghề dược liệu Nghĩa Trai, đây là một địa danh quen thuộc với những ai quan tâm đến dược liệu, là một trong những nơi trồng, khai thác, chế biến và buôn bán dược liệu. Du khách đến đây vào mùa thu, mùa hoa cúc chi (kim cúc) vàng nở, ai ai cũng thích mê mẩn không muốn rời xa, thỏa sức tạo dáng bên vẻ đẹp dịu dàng, mộc mạc mà lại quyến rũ của loài hoa ấy. Giữa tiết trời se se lạnh, cùng nhâm nhi tách trà hoa cúc thì rất ấm lòng, những phiền muộn như tan biến.
Huyện Văn Lâm còn nổi tiếng với thứ đặc sản làm say đắm lòng người, đó là rượu Lạc Đạo, có mùi thơm đặc trưng, một sự kết tinh men say của đất và tình cảm của con người nơi đây.
Vùng quê Lạc Đạo – Văn Lâm từ lâu đã nổi tiếng với món Cơm nắm muối vừng. Từ xa xư, đây là món ăn dân dã, mộc mạc của người dân Lạc Đạo, nay món ăn này đã trở thành món quà quê được nhiều người yêu thích. Cơm nắm ở đây trắng tinh, mềm, dẻo và bùi, quyện với mùi thơm của vừng lạc tạo nên một vị đặc trưng riêng chỉ nơi đây mới có.
Đến với huyện Văn Lâm trong dịp này, du khách sẽ có cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm, khám phá nét đẹp của các di tích lịch sử văn hóa nổi bật, đắm mình với men say của đặc sản nơi đây, để khi về là nhớ.
TTTTXTDL