Nguyễn Thiện Thuật sinh năm 1844, tự là Mạnh Hiếu, người làng Xuân Dục, tổng Bạch Sam, huyện Đường Hào nay là thôn Xuân Đào, xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo, có tài văn võ. Năm 1870, ông đậu Tú tài. Ông làm quan thanh liêm, công minh, có tài cai trị, được nhân dân kính phục. Khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, ông kháng lệnh triều đình nhà Nguyễn, cùng một số sĩ phu yêu nước đứng lên chiêu mộ quân đánh giặc. Năm 1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, Nguyễn Thiện Thuật lập căn cứ địa Bãi Sậy, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp, tiếp tục sự nghiệp của Đinh Gia Quế. Ông được vua phong cho chức “Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần gia trấn trung tướng quân”.
Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật ( 1844 -1926) . Ảnh: sưu tầm
Dưới sự lãnh đạo của ông, cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy kéo dài 5 năm (1885 - 1889) và có tiếng vang lớn nhất ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, trong phong trào Cần Vương, với nhiều trận đánh làm thực dân Pháp khiếp sợ, khốn đốn. Dựa vào địa thế sình lầy, lau sậy um tùm, ông đã chỉ đạo theo chiến thuật du kích, lấy ít địch nhiều, lấy vũ khí thô sơ chống vũ khí hiện đại, đánh úp đồn trại Pháp.
Năm 1890, cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy suy yếu, Nguyễn Thiện Thuật trao quyền chỉ huy cho em trai là Nguyễn Thiện Kế, rồi sang Trung Quốc mưu tính cuộc vận động mới. Việc không thành ông ở lại nước bạn tham gia hội Duy Tân, giúp đỡ phong trào Đông Du, viết tài liệu, thơ ca khích lệ tinh thần yêu nước. Năm 1926, ông qua đời và được an táng tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Năm 2005 di hài của ông được đưa về an táng tại quê hương Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên và dựng nhà bia tưởng niệm. Đây là nơi đặt bản doanh của nghĩa quân Bãi Sậy năm xưa. Ông không chỉ là một nhà chính trị, một nhà quân sự lỗi lạc, mà còn là một nhà thơ, nhà viết chính luận xuất sắc. Năm tháng trôi qua nhưng những chiến công, tên tuổi của ông vẫn mãi trong lòng người dân Hưng Yên nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Đến năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Khu lưu niệm Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật. Công trình được khánh thành tháng 3/2023, trong khuôn viên rộng khoảng 11.034m² gồm nhiều hạng mục: nhà tưởng niệm, nhà khách, nhà bia, nghi môn, lăng mộ, bức phù điêu và các hạng mục phụ trợ đồng bộ, hoà hợp với không gian cảnh quan làng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử, Khu lưu niệm Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 2020.
Khu thờ chính là nơi đặt ban thờ Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật và trưng bày, giới thiệu một số tài liệu, hình ảnh tiêu biểu về quê hương, thân thế sự nghiệp của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật và cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy; những hoạt động nhằm tưởng nhớ đến Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật.
Ngoài khu thờ chính còn có nhà bia, giữa đặt một bia đá ghi tóm tắt thân thế và sự nghiệp của ông. Bên cạnh có cây đề cổ thụ, từng là vọng gác tiền tiêu của nghĩa quân Bãi Sậy năm xưa.
Kế tiếp là khu Lăng mộ Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật, được ốp đá, thể hiện lòng thành kính với vị tướng quân đã có công giúp nước gây dựng nền độc lập. Điểm nhấn sau Lăng mộ là bức phù điêu chạm nổi, đây là một bức tranh thu nhỏ diễn tả các giai đoạn của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp dưới dự lãnh đạo của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật.
Tinh thần yêu nước, nghĩa khí, tài thao lược của tướng quân Nguyễn Thiện Thuật mãi mãi là tấm gương sáng, niềm tự hào của quê hương Hưng Yên. Nơi đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước cho thế hệ trẻ để từ đó biết quý trọng, gìn giữ, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
TTXTDL