Đình Đại Đồng – Nơi lưu giữ văn hóa Việt

Ngày đăng: 16/01/2018
Ai đã từng đặt chân đến làng Nôm hẳn không quên đình Đại Đồng (đình Tam Giang) nằm trên một khu đất rộng rãi, cao thoáng ngay giữa làng Đại Đồng, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm. Đình thờ Thánh Tam Giang, là tướng có công lớn giúp Hai Bà Trưng […]

         

Ai đã từng đặt chân đến làng Nôm hẳn không quên đình Đại Đồng (đình Tam Giang) nằm trên một khu đất rộng rãi, cao thoáng ngay giữa làng Đại Đồng, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm. Đình thờ Thánh Tam Giang, là tướng có công lớn giúp Hai Bà Trưng diệt giặc.

Theo Thần tích được ghi chép còn lưu giữ tại đình: vào thời Tây Hán ở trong Vân Mẫu thuộc Bắc Giang có một người con gái tên là Tĩnh, nàng là một người xinh đẹp, có dáng điệu nhạn xa cá lặn nhưng không muốn lấy chồng, một lòng theo đạo Phật nên tự nguyện xin trụ trì ở chùa để sớm chiều đèn hương phụng thờ. Một hôm nọ bà Tĩnh ra bờ sông Nguyệt Đức để tắm gội bỗng nhiên trời đất sầm lại, sóng gió nổi lên ầm ầm, rồi một con thuồng luồng nổi lên quấn lấy mình bà, bà hoảng hốt bỏ chạy về chùa, đến đêm hôm ấy bà nằm ngủ ở phía trước án thờ, đến canh ba, trong giấc mơ bà thấy mình nuốt vầng trăng vào bụng, bà tỉnh dậy từ đó bà có thai. Đến ngày 10-2 năm Nhâm Thìn bà sinh được một người con trai, thiên tư tướng mạo khác hẳn người thường, liền đặt tên là Tam Giang.

Ông là một vị tướng lĩnh tài ba, văn võ toàn tài đã có công lớn dẹp giặc, cứu nước, cứu dân và được phong làm ” Hộ quốc Phúc thần “. Không những vậy, ông còn có công lập ra trại  Đồng Cầu, ngày nay khu vực này chính là làng Đại Đồng. .
Sau khi ông mất để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, nhân dân nơi đây đã tôn ông làm Thánh và thờ ông tại đình Tam Giang.

                                             
        Theo các cụ trong làng kể lại, khi xưa đình chỉ là một ngôi miếu nhỏ bằng vật liệu đơn giản. Sau lần trùng tu vào năm Khải Định (1924) thì đình có kết cấu quy mô như ngày nay.

Đình Đại Đồng được xây dựng theo hướng Đông Nam, với kiến trúc hình chữ Quốc bao gồm các hạng mục: Đại bái, Phương đình, Hậu cung và hai dãy giải vũ.

Tòa đại bái gồm 5 gian, các bộ vì làm kiểu chồng rường. Kế tiếp là Phương đình có cấu tạo hình vuông theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, bộ vì làm kiểu chồng rường giá chiêng. Phía bên trong là gian Hậu cung gồm 3 gian, kiến trúc chồng rường đấu sen.

                                             
 

Kiến trúc bên ngoài chịu ảnh hưởng của kiến trúc Phúc Kiến (Trung Quốc), có bốn hàng cột đá xanh đỡ mái. Mái thì được lợp bằng ngói ống, trên đắp nổi hình cá chép chầu nậm rượu. Trên các cột đá xanh chạm khắc các đề tài tứ linh, tứ quý và những câu đối ca ngợi thắng tích.

Điều đặc biệt, đình Tam Giang còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: 14 đạo sắc phong từ triều Lê đến thời Nguyễn, khám thờ thời Nguyễn, sập thờ bằng gỗ thời Nguyễn được chạm khắc rất công phu và tỉ mỉ, 2 rồng đá thời Lê, cùng với câu đối, đại tự, cuốn thư…

Các sắc phong còn lưu giữ tại đình

Phía trước đình là hồ nước lớn trong xanh, cạnh đình là cây đa cổ thụ gần 200 năm tuổi, bên tả là dòng sông Nguyệt Đức, bên hữu là khu dân cư. Theo thuyết phong thủy, đình Đại Đồng ngự ở thế đằng trước tụ thủy, đằng sau tọa sơn, bên tả thanh long, bên hữu bạch hổ.


Khuân viên giếng cổ trong làng Nôm

Phía sau giếng có bình phong hình cuốn thư, tạc dòng chữ “Âm Hà Tư Nguyên” hiểu nghĩa là “uống nước nhớ nguồn”, như lời nhắc nhở về đạo lý truyền thống của dân tộc. Phía dưới cuốn thư là chữ “Thọ”, thể hiện ước nguyện về sự trường tồn. Mặt ngoài của thành giếng còn được trang trí bằng nhiều bức họa, nay đã mờ theo thời gian. Một dấu tích còn lưu lại  ngay phía trước đình Tam Giang đó là giếng cổ làng Nôm, có nhiều nét độc đáo hiếm có. Không rõ giếng có từ bao giờ chỉ biết rằng có tuổi đời nhiều thế kỉ. Là nơi tập trung linh khí của làng từ xa xưa, giếng được làm bằng đá xanh, được đặt trong khuôn viên hình bát giác, có tường bao quanh. Nhân dân nơi đây gọi là ” mắt rồng”, giếng có nắp đậy kín để đảm bảo sự trong sạch của nước.

Ngay cạnh giếng, có một tấm bia nhỏ khắc hai chữ “Hạ Mã” (nghĩa là xuống ngựa), như lời nhắc nhở người qua đường cần phải giữ phép tắc khi vào khu vực thiêng liêng.

 Nơi đây không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương mà còn là điểm thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Hàng năm, vào mùng 10 tháng 8 âm lịch lễ hội kỷ niệm ngày mất của Thánh Tam Giang được diễn ra rất trang trọng.  
Từ những giá trị trên đình Đại Đồng đã được nhà nước xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1994 về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật”.

TTTTXTDLHY
 









TIN BÀI LIÊN QUAN