Đi đến

Đền thờ Triệu Việt Vương

Dạ Trạch – Khoái Châu là mảnh đất có bề dày truyền thống lịch sử, nơi đây nổi tiếng với dấu tích ” Đầm Nhất Dạ” (Đầm Một Đêm). Khi đến Yên Vĩnh, Dạ Trạch, một trong những địa điểm để tham quan, tìm hiểu vể lịch sử đất nước mà bạn nên đến đó là đền thờ Triệu Việt Vương.

Đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ Hưng Yên lần thứ XIX. Di tích tôn thờ danh nhân Triệu Việt Vương – một nhà quân sự tài ba, vang danh với chiến thắng chống quân Lương xâm lược, một vị vua hào kiệt, nhân nghĩa, chí tình mà sử sách vẫn lưu danh.

Ông là Triệu Quang Phục, con trai của Triệu Túc, hào trưởng huyện Chu Diên (nay thuộc huyện Khoái Châu). Năm 542, ông theo cha đem quân tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Bí và lập nhiều công lớn. Sau khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Lý Bí tự xưng là Lý Nam Đế lập ra nước Vạn Xuân, Triệu Quang Phục được trao chức Tả tướng quân. Đến năm 545, nhà Lương sang xâm lược nước Vạn Xuân, do thế giặc rất mạnh, quân của Lý Nam Đế giao chiến bất lợi, tổn hại nặng nề, vua lui về động Khuất Lão và giao binh quyền cho Triệu Quang Phục.

Sau khi giao chiến không phân thắng bại, năm 547, ông đã bí mật đưa 2 vạn quân lính về lập căn cứ mới ở Dạ Trạch. Đây là vùng đất Chu Diên, nơi ông am hiểu địa thế và đường đi lối lại, là một vùng đầm lầy, lau sậy um tùm, ở giữa là nền đất có thể ở được, bốn mặt bùn lầy sâu trũng, người ngựa khó qua lại được, chỉ dùng thuyền độc mộc đi trên nước cỏ, nhỡ sa xuống nước thì bị rắn hoặc thuồng luồng cắn. Ông đã triển khai lối đánh du kích ” đánh trường kỳ kháng chiến, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh, đánh tiêu hao sinh lực địch” .

          Khi Lý Nam Đế qua đời (548), Triệu Quang Phục xưng là Triệu Việt Vương, người trong nước gọi là Dạ Trạch Vương (Vua đầm đêm). Nhân cơ hội lực lượng nhà Lương suy yếu, ông mở một loạt cuộc tấn công lớn vào doanh trại của giặc và giành thắng lợi. Đất nước Vạn Xuân trở lại yên bình, Ngài vào đóng trong thành Long Biên, kế tục sự nghiệp của nhà Tiền Lý cùng nhân dân xây dựng nền độc lập. Đến năm 571, Ngài bị thông gia là Lý Phật Tử phụ lời giao kết, bất ngờ đem quân đánh, thế yếu không thể chống cự, Ngài thấy rồng vàng rẽ nước, liền đi vào, nước khép lại.

Đền thờ Triệu Việt Vương được phục dựng trên nền cũ của ngôi miếu xưa đã bị thực dân Pháp phá hủy, công trình được khởi công ngày 1/4/2018 và khánh thành tháng 10/2020. Với diện tích 13.748 m², gồm: Nghi môn, Bình phong, Đền chính, Nhà Tả vu – Hữu vu và một số hạng mục phụ trợ. Tổng thể các hạng mục công trình mang đậm nét kiến trúc truyền thống, hòa hợp với không gian cảnh quan vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Mở đầu khuôn viên di tích là Nghi môn rất uy nghi với 3 cửa ra vào. Tiếp đến là bức bình phong, được tạo tác hình cuốn thư chất liệu bằng đá xanh. Kế tiếp là  giếng nước – nơi tụ phúc, tụ thủy, dưới có bài trí tượng rồng và rùa, là hai linh vật trong bộ “tứ linh” biểu tượng cho sức mạnh và sự trường tồn.

Khu thờ chính có bố cục mặt bằng tổng thể kiểu ” Tiền nhất – hậu đinh” gồm 3 tòa: Tiền tế 3 gian, Trung từ 5 gian là nơi đặt ban thờ Công đồng và Hậu cung 3 gian là nơi đặt ban thờ, tượng, ngai và bài vị Triệu Việt Vương. Ba dãy nhà với các mái nối tiếp nhau kiểu “trùng thềm điệp ốc”, bộ khung chịu lực của các tòa đều được định vị vững chắc bởi hệ thống cột, xà, vì,…được làm bằng gỗ quý. Điểm nhấn của ngôi đền là chủ đề trang trí xuyên suốt họa tiết hoa văn truyền thống trên trống đồng cổ.

Tại đền, hiện lưu giữ được một số di vật từ vị trí của ngôi miếu cũ như: 1 đĩa gốm men thế kỷ 17-18; 7 đồng tiền thời Nguyễn TK19; 1 mảnh chân đế mâm bồng cùng một số mảnh gốm niên đại thời Bắc thuộc.

Từ những giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, di tích đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 20/1/2020. Di tích sẽ trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách, phục vụ việc tham quan, nghiên cứu, giáo dục tư tưởng yêu nước cho thế hệ trẻ.






Có thể bạn quan tâm