Nơi lưu giữ 2 Bảo vật quốc gia – Chùa Hương Lãng

Ngày đăng: 03/07/2024
Chùa Hương Lãng còn có tên gọi là Viên Giác tự hay chùa Lạng, người dân địa phương vẫn quen gọi là chùa ông Sấm, toạ lạc tại thôn Chùa, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Chùa là nơi thờ Phật, khác với những ngôi chùa khác còn là nơi tôn thờ Linh nhân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, người phụ nữ duy nhất trong lịch sử nước ta hai lần thay vua nhiếp chính trị vì đất nước, một bậc nữ trung hào kiệt, vợ vua Lý Thánh Tông. Ỷ Lan nổi tiếng là người phụ nữ xinh đẹp, giỏi việc nước đảm việc nhà được nhân dân ngưỡng mộ và yêu mến. Sau khi mất, bà được nhân dân tôn là “Phật tổ như lai xuất thế”, thờ tự tại chùa và nhiều nơi khác trong cả nước.

Ngôi chùa là một trong những di tích mà Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan cho xây dựng vào thời Lý năm 1115 với kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Sau năm 1954 do sự thay đổi của lịch sử, ngôi chùa đã bị phá hủy. Đến năm 1995, chùa  phục dựng lại một số hạng mục chính. Hiện nay, chùa có kiến trúc kiểu chữ Tam gồm: Đại bái, Tiền đường, Thượng điện. Đại bái có 7 gian, bộ vì được tạo tác theo kiểu chồng rường đấu kê. Tiền đường 7 gian, các bộ vì được làm bằng gỗ lim theo kiểu con chồng đấu sen với bốn hàng chân cột, chạm khắc hoa văn, các đề tài hoa lá cách điệu. Bên trong tiền đường có ban thờ công đồng, ban thờ Mẫu, ban Hộ pháp, ban Đức Ông,... cùng các bức đại tự, câu đối. Tất cả các cột đều được kê trên chân tảng bằng đá trang trí hoa văn hình cánh sen, mang đậm phong cách thời Lý. Tiếp đến là toà Thượng điện có 3 gian, kiến trúc kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Đây là nơi bài trí ban thờ Phật: Tam Thế Phật, A di đà, Thích Ca,…

Trong khuôn viên của chùa có nhà thờ Tổ, kiến trúc đơn giản gồm 3 gian. Gian giữa đặt ban thờ Bồ Đề Đạt Ma. Bên phải của chùa là nhà Mẫu xây dựng kiểu nhà cấp 4 đơn giản, bên trong đặt ban thờ Mẫu. Trước sân nhà Mẫu có một ngôi miếu nhỏ được xây dựng năm 2016 để thờ Nguyên phi Ỷ Lan.

Ngôi chùa còn lưu giữ được 2 Bảo vật quốc gia, đó là: Bệ tượng sư tử đá và hệ thống thành bậc đá (là 2 hiện vật còn xót lại của ngôi chùa cổ). Theo các nhà nghiên cứu di sản văn hoá, tượng sư tử đá có niên đại cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII. Được tạo tác từ đá sa thạch, dài 280cm, rộng 350cm, cao 175cm. Bệ gồm ba tầng: tầng đế, tầng thân và tầng mặt, ba tầng liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành một bệ đá hoa sen hoàn chỉnh. Sự độc đáo và khác biệt lớn nhất ở bệ tượng được thể hiện qua hình tượng sư tử đội tòa sen. Bệ tượng đá sư tử đội toà sen là một xu thế của nghệ thuật Phật giáo thời Lý. Có thể nói đây là một tác phẩm điêu khắc tiêu biểu, minh chứng về sự phát triển cho nghệ thuật điêu khắc đá thời Lý trong tiến trình lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Bảo vật quốc gia Bệ tượng sư tử đá chùa Hương Lãng

Hệ thống thành bậc đá có niên đại cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII, gồm 6 bộ thành bậc, được bố trí tại lối lên xuống cửa chùa. Tất cả đều được tạo tác liền khối bằng loại đá sa thạch, hình thang vuông, đề tài trang trí hoa văn tương tự nhau. Tất cả đều được tạo tác hoàn toàn thủ công, mang đậm dấu ấn thời đại mà chúng sản sinh ra, thể hiện trí tuệ tuyệt vời và khả năng khéo léo của các nghệ nhân điêu khắc đá. Đây là ngôi chùa duy nhất trên cả nước có số lượng các thành bậc đá thời Lý đầy đủ nhất và nhiều nhất.

Bảo vật quốc gia hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng 

Chùa còn lưu giữ được một số di vật quý thời Lý như: 4 cột đá vuông, chân tảng đá, bia đá, rồng đá... Hàng năm, cứ vào dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch, nhân dân trong vùng và khách thập phương nô nức hành hương về đây tham dự lễ hội truyền thống của chùa.

Với những giá trị về văn hoá – lịch sử, nghệ thuật kiến trúc, chùa đã được xếp hạng là di tích “ Kiến trúc nghệ thuật” cấp Quốc gia năm 1974. Nơi đây trở thành điểm tham quan, nghiên cứu hấp dẫn đối với du khách.

                                                                                                                                                                      TTXTDLHY






TIN BÀI LIÊN QUAN