|
Lãnh đạo nhiều sở, ngành tham gia ý kiến triển khai các hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương |
Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28.3.1912 tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang). Sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng yêu nước, đồng chí Lê Văn Lương sớm được giác ngộ cách mạng và chọn cho mình con đường dấn thân vào công cuộc đấu tranh của dân tộc từ khi còn là cậu học trò trường Bưởi - Hà Nội. Vừa tròn 19 tuổi, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt, bị giam cầm suốt gần 15 năm. Trong thời gian bị giam cầm, đồng chí dành nhiều tâm sức, trí tuệ để biên soạn tài liệu, tuyên truyền, giáo dục các bạn tù, biến nhà tù thành trường học cách mạng.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trải qua nhiều cương vị công tác, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng, Nhà nước. Dù ở cương vị nào, lĩnh vực công tác nào, đồng chí Lê Văn Lương cũng làm việc trách nhiệm hết sức mình trên tinh thần tự giác, tận tụy trước Đảng và dân tộc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương luôn nêu cao tinh thần: Với quân thù - hiên ngang bất khuất; với công việc luôn tận tụy, trung thành, liêm chính, đặt lợi ích cách mạng lên trên hết; với đồng chí, khiêm nhường, chu đáo, thân tình; với bản thân là gương sáng về tự phê bình, một nếp sống giản dị, khoan dung.
Hưng Yên không chỉ quê hương mà còn là nơi hun đúc ý chí, lý tưởng cách mạng của đồng chí Lê Văn Lương. Thời phong kiến, Hưng Yên có 8 trạng nguyên trong tổng số 53 trạng nguyên của cả nước, 205 tiến sỹ được ghi danh trên bia Văn miếu Quốc Tử Giám, 228 người đỗ đại khoa được ghi danh ở Văn miếu Xích Đằng. Lĩnh vực chính trị - quân sự có Triệu Việt Vương, Linh nhân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, danh tướng Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật - thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, Hoàng Hoa Thám - hùm thiêng Yên Thế, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Lĩnh vực văn hóa và khoa học có trạng nguyên Đỗ Thế Diên, Tống Trân, Đoàn Thị Điểm, Lê Hữu Trác, Chu Mạnh Trinh... Trên mảnh đất Xuân Cầu - quê hương đồng chí Lê Văn Lương cũng có 12 người đỗ đại khoa dưới triều đại phong kiến. Gia đình đồng chí là gia đình khoa bảng, thân sinh là cụ Nguyễn Đạo Khang đỗ Tú tài, làm Huấn đạo; bác là Nguyễn Đạo Quán, đỗ Phó bảng, anh trai là nhà văn Nguyễn Công Hoan. Cùng quê Xuân Cầu với đồng chí Lê Văn Lương còn có nhà cách mạng Tô Hiệu, một chiến sỹ cộng sản tiền bối của Đảng - trí tuệ, kiên trung, bất khuất, chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc.
Tuy xa quê từ lúc còn niên thiếu, nhưng trên bước đường hoạt động cách mạng, dù ở đâu, cương vị nào, đồng chí Lê Văn Lương cũng luôn dành cho quê hương Hưng Yên những tình cảm tốt đẹp, nồng hậu. Sau khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, đồng chí đã tìm mọi cách liên lạc, gửi tài liệu, giác ngộ thanh niên, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở quê nhà. Khi đang công tác tại các cơ quan Trung ương, đồng chí đã nhiều lần về thăm và làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên; dành thời gian tiếp xúc; ân cần thăm hỏi, động viên cán bộ, Nhân dân thi đua, lao động, sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp. Đồng chí đã để lại những ấn tượng khó phai trong lòng Nhân dân về tình cảm thắm thiết, sâu sắc của một người con xa quê.
Với nhãn quan chính trị sắc bén, sự sâu sát thực tế của một nhà lãnh đạo cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương luôn quan tâm, nhắc nhở Đảng bộ, chính quyền địa phương chú trọng công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đưa điện khí hóa vào nông nghiệp, nông thôn, quan tâm đến sự nghiệp “trồng người”, vì tương lai của quê hương, đất nước. Đối với gia đình, dòng họ, xóm làng…, đồng chí luôn thể hiện là người con trung hiếu, người bạn thủy chung, trọng nghĩa tình.
Sớm nhận thức sự cần thiết phải xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng với cán bộ, đảng viên, đồng chí xác định: Nâng cao ý thức phục vụ Đảng, phụng sự Nhân dân; nắm vững lập trường và quan điểm giai cấp. Cần tập trung trau dồi ý thức phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân, quan điểm giai cấp, quan điểm quần chúng và quan điểm tổ chức; phải làm cho Đảng thật xứng đáng đóng vai trò tiền phong lãnh đạo của nhân dân.
Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Lê Văn Lương đã đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã để lại những đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực công tác của Đảng, Nhà nước cả trong lý luận và chỉ đạo hoạt động thực tiễn.
Tiếp thu và vận dụng sáng tạo quan điểm của đồng chí Lê Văn Lương, những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân Hưng Yên đã phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng và anh hùng; luôn kiên trì các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, có nhiều giải pháp củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Hiện nay, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên có 13 đảng bộ trực thuộc, 544 tổ chức cơ sở đảng, 69.696 đảng viên. Nhiều chương trình, đề án về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được ban hành, triển khai thực hiện hiệu quả.
Nhiệm kỳ 2015-2020, trên 7 nghìn lượt học viên được cử đi đào tạo về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; gần 67 nghìn lượt học viên được bồi dưỡng theo chức danh, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng và cập nhật kiến thức mới. Công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên được quan tâm. Công tác đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên ngày càng rõ về tiêu chí, tiêu chuẩn, bảo đảm dân chủ, công khai, hiệu quả và thực chất. Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở có nhiều đổi mới; quốc phòng, an ninh được tăng cường.
Kết quả quan trọng trong tổ chức, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Vai trò, chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND các cấp được nâng cao.
Năm 2021, Hưng Yên kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 25 năm tái lập. Tại dấu mốc quan trọng đó, Hưng Yên đã xây dựng được nền tảng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ với nhiều thành tựu quan trọng nổi bật, như: Kinh tế liên tục tăng trưởng nhanh và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,81%/năm; Năm 2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 19 nghìn tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 87,4 triệu đồng. Ngành nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, sản xuất quy mô lớn, giá trị gia tăng cao. Hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển theo hướng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị. Cuối năm 2021, tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh là 2.073 dự án (1.570 dự án đầu tư trong nước và 503 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đăng ký gần 17 tỷ USD và 13.520 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký đạt 145.998 tỷ đồng.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế luôn được quan tâm chăm lo và đầu tư phát triển. Hưng Yên đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới cấp xã năm 2019 và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Với truyền thống văn hiến, cách mạng, với tầm nhìn và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hưng Yên sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng; phát huy những thành tựu đã đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, kiểm soát tốt dịch bệnh, tiếp tục đổi mới, sáng tạo để xây dựng Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững; góp phần tích cực cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trần Quốc Toản
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh
Theo: Báo Hưng Yên