Một ngày về chùa Nôm

Tạm xa sự náo nhiệt của thành phố, tôi trở về chùa Nôm ở xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên vào một ngày nắng đẹp. Đây là ngôi đại tự vẫn giữ được gần như vẹn nguyên vẻ cổ kính ở đồng bằng Bắc Bộ. Ấn tượng của tôi khi về thăm Chùa […]

Tạm xa sự náo nhiệt của thành phố, tôi trở về chùa Nôm ở xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên vào một ngày nắng đẹp. Đây là ngôi đại tự vẫn giữ được gần như vẹn nguyên vẻ cổ kính ở đồng bằng Bắc Bộ.

Ấn tượng của tôi khi về thăm Chùa Nôm là vẻ đẹp uy nghi, lối kiến trúc độc đáo và những giá trị văn hóa đặc sắc từ các pho tượng cổ. Theo lời kể: năm xưa, vào một đêm trời nổi cơn giông tố nhưng vẫn có đám mây ngũ sắc vần vũ, sáng hôm sau dân làng thấy một bè gỗ lim nổi trên mặt sông, dân làng đẩy ra lại trôi vào, cho rằng đây là điềm lành bèn vớt lên để dựng chùa.

Chùa có tên là “Linh thông cổ tự” hay còn gọi là chùa Đại Đồng, chùa Nôm. Chùa được xây dựng từ bao giờ không ai còn nhớ. Theo 4 tấm bia còn lưu giữ tại chùa thì vào thời Lê niên hiệu Chính Hòa (1680) nhà vua đã cho phục dựng lại ngôi cổ tự này và đã trải qua nhiều đợt trùng tu vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Hiện nay chùa có kiến trúc hình chữ Quốc bao gồm: Tiền đường, Thượng điện, 2 dãy hành lang, nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà thờ Bác Hồ…tạo nên sự cân đối, hài hòa. Một công trình bề thế mà khi đặt chân đến, ai cũng trầm trồ ngợi khen đó là cổng tam quan. Đây là một tác phẩm điêu khắc gỗ tuyệt đỉnh có chiều cao 25m với nhiều kĩ thuật chạm trổ vô cùng tinh xảo, thiết kế theo hình dáng đấu sen chồng chóp bằng gỗ lim. Bước qua tam quan là 1 cây cầu đá bắc ngang hồ nước trong xanh, đối xứng 2 bên là lầu chuông và lầu trống.

Điều khiến tôi và du khách đến đây đều tò mò bởi sự bền bỉ của hơn 100 pho tượng đất cổ, có tuổi đời hàng trăm năm. Các pho tượng Phật cổ được bài trí khắp các gian thờ với kích cỡ từ nhỏ như nắm tay đến cao trên 3m với các hình dáng khác nhau. Theo Thượng tọa Thích Đồng Huệ – sư trụ trì của Chùa Nôm: ” Các pho tượng Phật được làm bằng đất sét đã lọc sạch tạp chất, trộn với vôi, mật, giấy bản sau đó được sơn phủ bên ngoài. Với bàn tay khéo léo tài hoa của những nghệ nhân xưa, các bức tượng được khắc họa với những cử chỉ, nét biểu cảm trên khuôn mặt vô cùng sinh động và tinh tế, rất gần gũi với đời thường. Điều kì lạ là tuy bị ngâm trong nước nhiều ngày sau các trận lụt lớn nhưng các bức tượng vẫn không hề bị hư hại”.

Khu sau của ngôi chùa là Lầu Quan Âm, lầu được xây dựng dựa trên hình ảnh bông hoa sen lộng lẫy giữa hồ. Dẫn vào lầu là một cây cầu đá hình cánh cung với những nhịp đầu rồng tinh xảo giống như kiến trúc của cầu Nôm cổ. Phía trước cầu là hai tháp Cửu phẩm liên hoa bằng đồng tạo thành một cụm kiến trúc vô cùng đặc sắc.

Chùa Nôm nổi tiếng xa gần không chỉ bởi những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, những công trình kiến trúc đặc sắc mà còn hấp dẫn du khách đến đây bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp cổ kính, yên bình. Một khung cảnh tuyệt đẹp hiện ra trước mắt tôi là khu vườn có vách núi, hoa lá đủ màu sắc, hương thơm lan tỏa của những bông hoa hồng, hoa hướng dương đu đưa trước nắng và gió. Bước chân như muốn níu lại để ngắm hoa thêm chút nữa và chụp hình với những khung cảnh nên thơ hữu tình.

      Giữa chốn linh thiêng cổ kính, hòa quyện với hương khói của nhang, bất chợt có tiếng chuông âm vang trong trẻo điểm xuyết vào không gian tĩnh lặng của ngôi chùa khiến lòng tôi thấy bình yên đến lạ. Chùa Nôm thực sự là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn mà bạn nên đến khi về thăm Hưng Yên.

 






TIN BÀI LIÊN QUAN