Để làm ra chiếc bánh cáy dẻo thơm là cả một quá trình với các công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ, chỉnh chu cần có bí quyết riêng. Nguyên liệu làm bánh phải hoàn toàn từ thiên nhiên gồm: Gạo nếp cái hoa vàng, gấc, quả hoặc lá dành dành, lạc, vừng, gừng, cà rốt, vỏ quýt, dừa, mật mía và mỡ lợn.
Trước khi vào công đoạn làm bánh nửa tháng, những khẩu mỡ lợn sẽ được ngâm với đường cho ngấm, rồi thái hạt lựu và xào cho đến khi mỡ khô, giòn. Gạo nếp cái hoa vàng chia làm 3 phần: Hai phần để nấu xôi, một phần để làm bỏng.
Xôi chín chia làm hai, một phần trộn với gấc, một phần trộn với nước quả dành dành, sau đó trộn hai phần xôi với nhau, giã nhuyễn, cắt lát và sấy khô. Vừng, lạc dùng để rang thơm xát vỏ. Tiếp đến xào cà rốt, vỏ quýt với nước đường và nước gừng ép.
Nguyên liệu đủ sẽ trộn tất cả với mật mía và sên trên chảo cho đến khi bánh dậy mùi, rồi đổ ra một cái khuôn gỗ rộng đã được rải sẵn lớp vừng rang rồi ép chặt, sau đó rắc một lớp vừng và sợi dừa đã bào sẵn lên mặt trên. Khi bánh cứng lại sẽ cắt thành các khoanh bánh đều nhau. Cách làm bánh truyền thống này sẽ giúp bánh ngon và bảo quản được nhiều tháng, giữ nguyên được hương vị đặc trưng của văn hóa ẩm thực truyền thống.
Sau khi được tìm hiểu các công đoạn làm bánh, bạn sẽ thấy cuộc sống của người dân nơi đây thật đẹp, thật ấm áp vì để tạo ra những chiếc bánh không chỉ đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay mà còn cả sự đoàn kết, chia sẻ, là tâm huyết, yêu thương và sự trân trọng đối với nghề truyền thống.
.jpg)
Thật thú vị nếu như bạn được thưởng thức bánh cáy khi trời se se lạnh, miếng bánh cáy vừa mới ra lò, kèm theo một tách trà hương sen. Khi đó, bạn sẽ cảm nhận được hương thơm dẻo của gạo nếp, hương thơm của vừng, lạc, vỏ quýt cộng với vị béo của mỡ, dừa cùng sự ngọt ngào của mật mía, vị cay của gừng… sẽ tạo nên một trải nghiệm ẩm thực đặc biệt mà không có thứ quà quê nơi nào có được.

XTDLHY