Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, lúc khởi dựng đình, các cụ bô lão trong làng cho chuyển đủ 101 cây cột lim và chiêu mộ thợ giỏi ở khắp nơi về trổ tài. Nhưng các phường thợ sau khi nghe đề bài của các cụ đều lắc đầu bó tay. Các ông thợ cả đành chịu vì không thể dựng được ngôi đình lớn gồm 2 toà nhà vững chãi, cân đối với 101 cây cột (số lẻ), các xà, cột đều bắt vai nhau bằng đố mộng, không sử dụng một chiếc đinh nào… Việc làm đình vì thế chưa thể tiến hành nhưng dân làng không thay đổi ý định xây dựng ngôi đình 101 cột gỗ. Mãi mới có một phường thợ đến xin nhận làm đình. Ông thợ cả ung dung trình bày cách làm: Sẽ dùng đủ 100 cột. Chiếc còn lại chúng tôi chẻ ra làm cán đục. Vậy là đình làng vẫn đủ 101 cây cột. Các cụ lúc ấy mới phấn khởi, tìm được thợ dựng nổi đình làng Đa Ngưu rồi!
Đình là nơi tôn thờ Đức thánh Chử Đồng Tử là một trong “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng văn hoá Việt Nam, cùng nhị vị phu nhân là Tiên Dung công chúa được phong Thượng tôn thần, Đẳng thiên tôn thần và Tây Sa công chúa được phong Nội trạch Tây cung công chúa huyền diệu tôn thần. Theo các tài liệu để lại, đình được xây dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706) theo hướng Đông Bắc. Đến thời nhà Nguyễn, niên hiệu Duy Tân tứ niên (1910) đình được trùng tu lại theo kiến trúc “Tiền Nhất hậu Đinh” gồm 3 toà: Tiền tế, Trung từ, Hậu cung. Ở các toà, các con chồng, đấu, cốn đều được chạm trổ tinh vi.
Đây là một công trình đồ sộ còn khá hoàn chỉnh về kiến trúc và điêu khắc mỹ thuật. Không chỉ là một ngôi đình có kiến trúc đẹp, độc đáo, đình Đa Ngưu còn như một chứng nhân của những sự kiện lịch sử quan trọng. Trong đó, có sự kiện Phó Đức Chính đã đem tổ chức của mình về đây gây dựng cơ sở chuẩn bị chống Pháp. Sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, ông bị thực dân Pháp bắt và oanh liệt hy sinh trên đoạn đầu đài cùng Nguyễn Thái Học và 11 chiến sĩ…
Đình Đa Ngưu là một công trình kiến trúc độc đáo trong số các di tích thờ Chử Đồng Tử, đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1995. Ngày nay, sau bao đổi thay đình làng Đa Ngưu vẫn vững chãi, đẹp uy nghi. Về thăm “ ngôi đình trăm cột” dựng bằng 101 cây gỗ, du khách không chỉ mãn nhãn trước vẻ đẹp của ngôi đình mà còn được lắng nghe câu chuyện về sự tài hoa và trí thông minh của những người thợ Việt xưa.
TTXTDL