Cơm Nắm muối vừng _ Chứa đầy hương vị đồng quê

Ẩm thực Phố Hiến rất phong phú và đa dạng, khi du khách đến với Hưng Yên sẽ được thưởng thức những món ăn mang đầy hương vị của một vùng quê văn hiến như: chè sen long nhãn, bánh Răng Bừa hay bún thang Phố Hiến và không thể không nhắc đến món […]

     Ẩm thực Phố Hiến rất phong phú và đa dạng, khi du khách đến với Hưng Yên sẽ được thưởng thức những món ăn mang đầy hương vị của một vùng quê văn hiến như: chè sen long nhãn, bánh Răng Bừa hay bún thang Phố Hiến và không thể không nhắc đến món “Cơm nắm muối vừng – Lạc Đạo“.
Vùng quê Lạc Đạo – Văn Lâm – Hưng Yên từ lâu đã nổi tiếng với món Cơm nắm muối vừng, xưa nó là món ăn dân dã mộc mạc của người dân Lạc Đạo trong những lúc nông nhàn, rảnh rỗi, nhưng nay món ăn này đã trở thành món quà quê được nhiều người yêu thích.

          Làm cơm nắm rất đơn giản nhưng không phải ai làm cũng ngon. Chỉ là gạo được nấu thành cơm rồi nắm chặt lại thế nhưng để có được một nắm cơm trắng tinh, mềm và ăn có vị bùi, như cơm nắm Lạc Đạo lại không hề đơn giản. Sự khác biệt ấy là nhờ kinh nghiệm mấy chục năm của  người dân Lạc Đạo và đó cũng là lý do hình thành nên làng nghề cơm nắm ở đây.
          Theo chú Chính, người có thâm niên hơn 30 năm làm cơm nắm: “để có được những nắm cơm trắng và ngon, người làm phải tỉ mỉ trong tất cả công đoạn từ khâu vo gạo đến tận lúc gói cơm vào giấy”. Để có được mẻ cơm trắng, những nắm cơm vừa dẻo, ăn ngọt và thơm, người Lạc Đạo rất có kinh nghiệm trong việc chế nước nấu cơm. Lượng nước nấu phải nhiều hơn so với nấu cơm ăn hàng ngày và đặc biệt phải dùng nước mưa đựng trong những chiếc bể cũ ngoài trời mới ngon. Mức nước, cỡ lửa hay lực để nắm cơm là do cảm nhận của mỗi người Lạc Đạo mà chỉ những người trong nghề mới hiểu được.
          Dụng cụ để nắm cơm giản dị, chỉ là một mảnh vải trắng thun có độ co giãn. Phải nắm cơm lúc còn nóng mới dễ làm và cơm nắm mới kết dính và ngon hơn. Cứ đều đều mỗi muôi cơm thành một nắm. Lúc nắm, phải chắc tay, day đều để cơm dần mềm ra và để cho nó nguội mới đem gói vào giấy.
          Việc làm muối vừng ăn kèm cũng rất quan trọng. Dùng tỷ lệ lạc, vừng và muối sao cho có được vị béo, thơm vừa vặn ăn kèm miếng cơm nắm. Lạc và vừng rang cũng phải đều tay, nếu non lửa rất dễ mất vị hoặc vị đắng vì rang quá lửa.
          Nghề bán dạo cơm nắm đã theo người dân Lạc Đạo mấy chục năm và tạo nguồn thu chính của hầu hết người dân. Theo chân của các bà các chị lên thành phố, cơm nắm muối vừng thường được người Lạc Đạo đem bán dạo cùng những tấm bánh tẻ, bánh giày, bánh khoai hay những thúng xôi… và trở thành món đồ ăn sáng nhẹ nhàng, hấp dẫn cho bất kỳ ai hay bất kỳ lứa tuổi nào.
          Một gói muối vừng luôn được bán kèm với nắm cơm trắng tinh, mịn màng có thể mang theo người và thưởng thức ở bất kỳ nơi đâu. Bởi vậy, từ xưa đến nay, cơm nắm muối vừng luôn được xem là món ăn chắc dạ mà lại đơn giản, tiện dụng nhất của người Việt. Ai đã đặt chân đến Hưng Yên mà chưa thưởng thức món cơm nắm muối vừng thì đó là một điều thiệt thòi vô cùng lớn đối với những người yêu ẩm thực.
                                                                                                                Lê Duy

 






TIN BÀI LIÊN QUAN