Chùa Triều Dương

Ngày đăng: 16/01/2018
Cách thành phố Hưng yên chừng 10 km về phía Đông du khách sẽ được tham quan chiêm bái chùa Triều Dương. Ngôi chùa đã được xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia từ năm 2002. Chùa Triều Dương nằm ở xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên), đây […]

      Cách thành phố Hưng yên chừng 10 km về phía Đông du khách sẽ được tham quan chiêm bái chùa Triều Dương. Ngôi chùa đã được xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia từ năm 2002. Chùa Triều Dương nằm ở xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên), đây là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của đại bộ phận nhân dân địa phương.


Toàn cảnh ngôi chùa

          Cũng giống như bao ngôi chùa khác của người dân Việt, chùa Triều Dương được xây dựng để thờ phật và cũng là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương. Chùa Triều Dương còn có tên gọi khác là Hưng Phúc Tự, là một ngôi chùa cổ được xây dựng vào thời Hậu Lê thế kỷ XVII, đến đời vua Lê Ý Tông niên hiệu Vĩnh Hựu chùa được trùng tu vào năm Đinh Tỵ (1737). Đến triều vua Tự Đức năm 1858 chùa được sửa lần thứ 2. Trải qua quá trình lịch sử ngôi chùa có phần xuống cấp nhưng vẫn được gìn giữ và bảo vệ.
          Ngôi chùa được xây dựng trên khu đất hình con kim ở phía Tây Nam của làng, xưa kia trong các giai đoạn lịch sử cách mạng của dân tộc ngôi chùa là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động cách mạng của các đồng chí tiền khởi nghĩa. Những năm 1939-1945 và trong cuộc kháng chiến chống Pháp là nơi tập trung của lực lượng vũ trang địa phương, đây chính là địa điểm để họp bàn tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng. Ngôi chùa như một vọng gác theo dõi các diễn biến của địch trên các bốt như: Bốt Triều Dương, Bốt Cống Hới, Bốt Cầu Địa và Bốt Quán Né. Chùa Triều Dương là một pháo đài chống phá sự càn quét của quân giặc để bảo vệ xóm làng. Nơi đây cũng làm là nơi sản xuất của hợp tác xã hay dùng làm nhà mẫu giáo, trường học cho con em ở địa phương. Hiện nay chùa là nơi thờ phật và sinh hoạt tâm linh của cộng đồng.
          Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong làng cho biết ngôi chùa được xây dựng tuân thủ chặt chẽ luật phong thủy, quy luật âm dương đối đãi. Thế đất của ngôi chùa là “diện tiền long đỉnh” nghĩa là phía trước có giếng rồng. Qua cổng tam quan bước vào sân chùa, ngôi chùa nằm khép mình dưới những bóng cây nhãn đại thụ với tán lá xòe rộng che mát cả sân chùa. Chùa được xây dựng theo kiểu kiến trúc nội công ngoại quốc gồm năm gian tiền đường, ba gian tam bảo, hai dãy hành lang mỗi bên là ba gian và năm gian hậu phòng.
          Đi qua bậc tam cấp là vào đến tòa tiền đường của chùa chính. Tòa tiền đường được xây dựng theo kiểu tường hồi bít đốc, với kiến trúc giá chiêng, mái được lợp ngói mũi hài. Cấu kiện gỗ chủ yếu được bào trơn đóng bén, riêng con rường và bẩy hiên được chạm khắc hình hoa văn sóng nước và hoa lá cách điệu. Ngăn cách giữa tòa tiền đường với phần hiên là hệ thống cửa bức bàn. Phần phía trên của gian trung tâm tòa tiền đường có treo bức đại tự lớn ” diệu đài tuệ điện” nghĩa là: đài thần diệu, điện rửa sạch duyên trần tục.

          Nối với gian giữa tòa tiền đường, phía sau là tam bảo. tòa tam bảo kiến trúc gồm 3 gian vuông góc với tòa tiền đường. Thượng lương của tòa tam bảo được ăn mộng với tòa tiền đường. Phía dưới là bộ vì ván mê được trang trí hình hổ phù, hình lá hóa long cùng nhiều hoa văn cách điệu khác. Đỡ phía dưới câu đầu của bộ vì này là hai đầu dư được trạm lộng hình nghê hí cầu. Hai bộ vì tiếp theo của gian tam bảo được làm đơn giản, kiểu giá chiêng chồng rường. Điều đặc biệt của chùa Triều Dương là còn lưu giữ được hệ thống tượng pháp đầy đủ nhất, có những pho tượng được tạc từ thế kỷ XVII – XVII, toàn bộ được giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn từ lớp sơn đến cách xếp đặt. Hệ thống tượng ở đây được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật, chế tác của các nghệ nhân thời xưa.
          Nằm song song bên trái chùa chính là nhà mẫu, xây dựng theo kiểu chữ tam gồm: 3 gian tiền tế, 3 gian trung từ và 2 gian hậu cung. Qua năm tháng nhà mẫu bị hư hỏng và đã được nhân dân địa phương trùng tu lại vào năm 1990.
          Chùa Triều Dương là trung tâm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của cư dân quanh vùng. Đạo phật và tín ngưỡng thờ Mẫu đã giúp cho con người sống tốt hơn, dân làng thương yêu đoàn kết gắn bó cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp và văn minh. Về vùng quê Thiện Phiến, quý khách không những được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi chùa từ kiến trúc, những mảng chạm khắc tỉ mỉ, hệ thống tượng phật được chế tác công phu, mà còn được tham quan những vườn hoa cải với sắc vàng rực rỡ hay những vườn táo nổi danh với với độ giòn ngon và ngọt sắc.

 TTTTXTDLHY

 
 
 

 






TIN BÀI LIÊN QUAN