Chùa Thái Lạc - Nơi lưu giữ những tác phẩm điêu khắc gỗ giá trị

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thái Lạc là 1 trong 3 công trình kiến trúc bằng gỗ thời Trần còn lại trong cả nước cùng với chùa Dâu - Bắc Ninh, chùa Bối Khê - Hà Nội. Ngôi chùa nằm cách quốc lộ 5 khoảng 2km, tọa lạc tại thôn Thái Lạc, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Ngoài thờ Phật, ngôi chùa còn thờ 4 vị nữ thần của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp ở Việt Nam (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) tượng trưng cho những thế lực của tự nhiên mây, mưa, sấm, chớp. Vì vậy chùa còn có tên Pháp Vân Tự - một trong 4 ngôi chùa thờ Tứ Pháp của huyện Văn Lâm, được cư dân của nền văn hóa nông nghệp rất coi trọng với ước vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

 

Zalo

​Dưới con mắt tinh tường của người xưa, ngôi chùa được xây dựng trên thế đất cao ráo trên lưng một con rùa, hai bên nước chảy ra sông như hai rồng con chầu vào rồng mẹ như hướng rồng chầu hổ phục. Toàn bộ ngôi chùa có kiến trúc nội công ngoại quốc với 5 gian tiền đường, 3 gian thượng điện, hai dãy hành lang mỗi bên 9 gian, nhà tổ 7 gian, mặt tiền nhìn về hướng Đông Nam là hướng biểu trưng cho sự sinh sôi và phát triển.

Zalo

​Không chỉ là chốn tâm linh chứa đựng hệ tôn giáo, tín ngưỡng của người dân trong vùng mà ngôi chùa còn toát lên vẻ đẹp và những giá trị hiếm thấy. Ngoài các pho tượng Tứ Pháp, tương truyền được tạc từ cành dâu lấy từ chùa Dâu, tỉnh Bắc Ninh thì tại gian giữa tòa thượng điện kết cấu bằng gỗ rất vững trãi là những mảng chạm khắc nằm ở bộ vì gỗ, được coi là những bức phù điêu quý giá. Trên bộ vì được kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và trang trí. Trên các cốn, các đố của bộ vì và trên các cột, đấu có nhiều mảng chạm khắc lớn vô cùng tinh xảo. Trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử , ngôi chùa đã được trùng tu rất nhiều lần nhưng những bức phù điêu bằng gỗ tại đây vẫn còn được giữ nguyên vẹn với 24 bức chạm gỗ và bức cốn thể hiện nhiều đề tài phong phú.

Zalo

Trên các ván nong được chạm nhiều cảnh về đề tài các tiên nữ sử dụng những nhạc cụ dân tộc: hai tiên nữ đang cưỡi phượng, một người thổi tiêu, một người kéo nhị, hay tiên nữ thổi sáo, tiên nữ đánh đàn, hoặc cảnh một dàn nhạc ba người đang sử dụng đàn tính, đàn tranh, đàn nguyệt. Trên ván bưng chạm cảnh tiên nữ đầu người mình chim giơ tay dâng hoa. Trên thân cột trụ chạm hình các ông phỗng giơ tay đỡ bệ hoa sen. Đây là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình rất có giá trị, là kho tài liệu qúy về một nền nghệ thuật âm nhạc cổ của cha ông ta từ xa xưa. Đồng thời những cảnh chạm khắc ở những bức phù điêu này cũng phản ánh khá rõ hào khí Đông A (hào khí thời Trần) với ba lần chiến thắng quân xâm lược Mông – Nguyên thế kỷ XIII.

Zalo

Dưới bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa xưa, kỹ thuật chạm nổi, chạm bong kênh đã được sử dụng khá điêu luyện, giúp cho những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian này trở nên cầu kỳ, tinh tế, làm tăng thêm hiệu quả về mặt thẩm mỹ. Những đường nét cong mềm được chạm trổ trên những thớ gỗ rắn chắc không những tôn thêm vẻ đẹp cho ngôi chùa mà còn là nơi gửi gắm quan niệm tâm linh và những ước vọng của người đương thời.

Zalo

Với những giá trị về tâm linh và những giá trị về nghệ thuật điêu khắc, chùa Thái Lạc là điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều đoàn khách tham quan, nghiên cứu. Đến đây, chắc chắn du khách sẽ cảm thấy thú vị khi được chiêm ngưỡng những kiệt tác nghệ thuật độc đáo tại ngôi chùa.

   

 






TIN BÀI LIÊN QUAN