Chử Đồng Tử – Tiên Dung – Huyền thoại một tình yêu bất tử

Ngày đăng: 03/02/2022
Chắc hẳn, ai cũng biết đến thiên tình ca bất tử giữa chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và nàng công chúa Tiên Dung, huyền thoại tình yêu vẫn còn mãi đến ngàn năm.

Tương truyền: Vào thời Hùng Vương thứ 18, ở làng Chử Xá có chàng trai đánh cá nghèo vì lòng hiếu thảo đã nguyện chôn chiếc khố duy nhất theo cha, còn mình ở trần. Bấy giờ, có nàng công chúa Tiên Dung xinh đẹp đang ngao du dọc sông Hồng, thấy phong cảnh đẹp, nên nàng lệnh dừng thuyền, quây màn để tắm ở bãi cát Tự Nhiên, chẳng ngờ lại đúng chỗ Chử Đồng Tử đang giấu mình trong cát. Như duyên trời định, Tiên Dung kết duyên cùng chàng, sau đó dạy dân khai phá đầm lầy, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, mở mang việc buôn bán thông thương. Sau khi học được phép lạ, Chử Đồng Tử kết duyên với Tây Sa công chúa, ba người đi khắp vùng chữa bệnh cứu dân. Nhờ chiếc nón và cây gậy thần, hóa ra cung điện lộng lẫy, tưởng con làm phản, vua cha sai quân đến đánh, nhưng sau một đêm cả cung điện cùng tam vị hóa về trời.

Ngày nay, Chử Đồng Tử được nhân dân suy tôn là Thánh Chử Đạo Tổ, một trong ” Tứ bất tử” của Việt Nam. Ngài là biểu trưng cho đạo hiếu, tình yêu, hôn nhân, sự sung túc và thể hiện nguyện vọng xây dựng một cuộc sống phồn vinh trên nền tảng một tình yêu đích thực.

Minh chứng cho câu chuyện huyền thoại ấy, ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên có 2 ngôi đền nổi tiếng thu hút đông đảo du khách đến tham quan là đền Đa Hòa và đền Hóa Dạ Trạch.

                                                        Trấn giang lâu đền Đa Hòa

 Đền Đa Hòa, thuộc thôn Đa Hòa, xã Bình Minh được ví như chốn ” Bồng lai tiên cảnh”. Đền được xây dựng lại năm 1894 do tiến sĩ Chu Mạnh Trinh là người thiết kế. Đây là nơi thờ Đức thánh Chử cùng nhị vị phu nhân, là một công trình nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đặc sắc thời Nguyễn gồm 18 nóc nhà lớn nhỏ trải dài từ Trấn giang lâu vào đến Hậu cung, với ý tưởng muốn nhắc nhở đời sau nhớ đến thiên tình sử của công chúa Tiên Dung khi ấy 18 tuổi và đời vua Hùng thứ 18. Khu đền vẫn giữ nguyên những nét kiến trúc thời Nguyễn với nhiều mảng chạm khắc đẹp, tinh tế tập trung ở tòa Đại bái và tòa Thiêu hương.

Đặc sắc kiến trúc toàn Thiêu Hương đền Đa Hòa

 Nét độc đáo của đền là tòa Thiêu Hương thể hiện ở 2 tầng, 8 mái cong, 8 cột gỗ vuông đỡ ở bốn góc, các đấu kê xà ngang, xà dài được đẽo gọt hình “con vác” mặt rồng, mình sư tử, các búp sen đều nghiêng xuống như trời đang ban hương xuống cho khách hành hương. Tòa hậu cung đặt ngai thờ và tượng thờ Đức thánh Chử và nhị vị phu nhân được đúc bằng đồng. Tại đền còn lưu giữ nhiều hiện vật quý rất có giá trị như 38 đạo sắc phong, lục bình ” bách thọ” làm bằng men ngọc ( trên thân được trang trí 100 chữ Thọ không chữ nào giống chữ nào) có niên đại hàng trăm năm,….Trước không gian của sông nước bao la và vẻ đẹp cổ kính của ngôi đền, chắc chắn sẽ tạo cho du khách một cảm giác bình yên và thư thái.

                  Điệu múa “đĩ đánh bồng” tại lễ hội đền Đa Hòa

Mang theo dư âm của những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại, du khách đến tham quan tại đền Hóa Dạ Trạch, ở thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch. Tương truyền, vị trí của ngôi đền là nền lâu đài, thành quách xưa của Chử Đồng Tử và nhị vị phu phân. Sau khi Tam vị đồng thăng, nơi đây biến thành một đầm nước mênh mông rộng lớn, gọi là ” Nhất Dạ Trạch” (Đầm một đêm).

                                                 Đền Dạ Trạch

Đền Dạ Trạch cũng là nơi tôn thờ Đức thánh Chử và nhị vị phu nhân, được xây dựng lại năm 1890. Ngôi đền có kiến trúc hình chữ Công gồm 3 tòa: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Các cấu kiện kiến trúc mang đậm nét kiến trúc, mỹ thuật thời Nguyễn, tòa hậu cung là gian được thiết kế đẹp nhất với mái vòm cuốn tam cấp, gợi cho du khách cảm giác như đứng trong khoang thuyền.

Nghi thức trong lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung tại đền Dạ Trạch

Nét riêng của đền Dạ Trạch là tượng thờ Ông Bế hay còn gọi là Bế Ngư thần quan, là tín ngưỡng thờ cá nguyên thủy của cư dân chinh phục đầm lầy, khi lễ hội diễn ra Ông Bế sẽ được rước kiệu ra sông Hồng. Nơi đây, còn thờ cây gậy và chiếc nón, tương truyền là vật mà Chử Đồng Tử đã sử dụng để chữa bệnh cứu dân.

 

Nghệ thuật hát trống quân (di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) do các nghệ nhân ưu tú CLB trống quân Dạ Trạch biểu diễn

        Nếu bạn là người đam mê nghệ thuật dân gian, thích khám phá, trải nghiệm lễ hội tình yêu lớn nhất cả nước thì hãy đến đền Đa Hòa và đền Hóa Dạ Trạch vào dịp 10/2 âm lịch, để hòa mình vào dòng người đi trẩy hội, cùng tìm hiểu những giá trị văn hóa sâu sắc như: nghi thức tế lễ, rước kiệu ra sông Hồng, nghệ thuật hát trống quân, điệu múa đĩ đánh bồng hay những trò chơi dân gian.

Tiếc rằng, lễ hội năm nay không được tổ chức do ảnh hưởng của dịch covid 19, nhưng nhân dân và du khách thập phương vẫn về đền dâng lễ Thánh, ước cầu cho gia đình luôn được an yên và hạnh phúc.

 






TIN BÀI LIÊN QUAN