Bay trên mùa vàng Mù Cang Chải, Yên Bái. Ảnh: Thế Phi
Theo đó, du lịch là một trong 7 mục tiêu phấn đấu nâng cao thứ hạng cạnh tranh đến năm 2025 được đặt ra trong Nghị quyết 02 của Chính phủ, bao gồm: (1) Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc - UN) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; (2) Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) tăng ít nhất 3 bậc; (3) Chính phủ điện tử (của UN) tăng ít nhất 5 bậc; (4) Quyền tài sản (IPRI) của Liên minh quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc; (5) Hiệu quả logistics (LPI) của Ngân hàng thế giới (WB) tăng ít nhất 4 bậc; (6) Năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tăng ít nhất 2 bậc; (7) An toàn an ninh mạng của ITU thuộc Nhóm 30 nước đứng đầu.
Về mục tiêu cụ thể trong năm 2024, đối với Năng lực phát triển du lịch và lữ hành của Diễn đàn kinh tế thế giới, phấn đấu nâng xếp hạng Nhóm chỉ số “Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành” lên ít nhất 5 bậc; nâng xếp hạng Nhóm chỉ số “Hạ tầng dịch vụ du lịch” lên ít nhất 3 bậc.
Sự hiện diện của nhiều chỉ tiêu liên quan đến du lịch cho thấy mức độ quan tâm lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành kinh tế này. Năm 2023, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ chủ trì 02 hội nghị toàn quốc về du lịch. Tháng 5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP với 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Từ ngày 15/8/2023, Chính phủ chính thức áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và vùng lãnh thổ với thời hạn tạm trú lên đến 90 ngày; nâng thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày cho công dân các nước được đơn phương miễn thị thực, qua đó tạo bước đột phá trong chính sách thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Chỉ số năng lực phát triển du lịch và lữ hành là gì?
Từ năm 2007, nhìn nhận vai trò du lịch là một trong những ngành kinh tế lớn nhất thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần đầu tiên công bố Báo cáo xếp hạng toàn cầu về năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành (Travel & Tourism Competitiveness Index - TTCI). Được công bố 2 năm 1 lần, đây là thước đo quan trọng để đánh giá năng lực cạnh tranh du lịch của các quốc gia trên thế giới.
Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành được thiết kế với 14 trụ cột và 90 chỉ số thành phần, được phân chia theo 4 nhóm gồm có: (1) Nhóm Môi trường hoạt động; (2) Nhóm Chính sách và tạo điều kiện cho du lịch và lữ hành; (3) Nhóm Cơ sở hạ tầng; (4) Nhóm Tài nguyên du lịch.
Theo các báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong 12 năm (từ 2007 đến 2019), chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, tăng 24 bậc từ hạng 87 lên hạng 63 toàn cầu. Đáng chú ý, giai đoạn 2015-2019 với sự phát triển đột phá của ngành du lịch Việt Nam, chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành Việt Nam tăng 12 bậc, từ hạng 75 lên 63.
Từ năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, du lịch là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên và nghiêm trọng nhất, dẫn theo những hệ lụy như đứt gãy chuỗi cung ứng, suy giảm nguồn nhân lực, cộng đồng mất sinh kế… Cùng với đó thế giới chứng kiến những diễn biến phức tạp như bất ổn chính trị, xung đột quân sự, kinh tế sụt giảm, ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch. Bối cảnh mới khiến Diễn đàn Kinh tế thế giới phải thay đổi tư duy, thay vì đề cao yếu tố cạnh tranh, giờ đây chuyển sang tập trung vào yếu tố bền vững và phát triển, nâng cao sức chống chịu của ngành du lịch trước khủng hoảng.
Với cách tiếp cận đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành đã được Diễn đàn Kinh tế thế giới thay thế bằng Chỉ số năng lực phát triển du lịch và lữ hành (Travel & Tourism Development Index - TTDI) vào năm 2021 với 17 trụ cột và 112 chỉ số thành phần, được phân chia theo 5 nhóm. Trong đó đáng chú ý là bổ sung Nhóm “Sự bền vững của du lịch và lữ hành” so với bộ chỉ số cũ. Nhóm này bao gồm các chỉ số về sự bền vững môi trường, kinh tế - xã hội và đánh giá tác động của du lịch.
Theo phương pháp đánh giá mới, Chỉ số năng lực phát triển du lịch và lữ hành của Việt Nam năm 2019 xếp hạng 60 và năm 2021 xếp hạng 52, tăng 8 bậc. Đây là mức tăng cao thứ 3 thế giới, phản ánh những nỗ lực vượt bậc và thành công của ngành du lịch Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch và phục hồi, tái thiết hoạt động.
Tuy nhiên, một số chỉ số trong Năng lực phát triển du lịch và lữ hành của Việt Nam xếp hạng thấp. “Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành” xếp hạng 87, là một trong 17 trụ cột, nằm trong nhóm “Chính sách và tạo điều kiện cho du lịch và lữ hành”. Trong khi “Hạ tầng dịch vụ du lịch” xếp hạng 86, nhằm trong nhóm “Cơ sở hạ tầng”. Đây vẫn là những hạn chế cố hữu của du lịch Việt Nam qua các kỳ báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 ngay từ đầu năm mới 2024 đặt mục tiêu nâng cao thứ hạng của Năng lực phát triển du lịch và lữ hành nói chung và chỉ số Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành và Hạ tầng dịch vụ du lịch nói riêng thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đến ngành du lịch và quyết tâm nâng cao năng lực, vị thế của du lịch Việt Nam, đẩy nhanh phục hồi và phát triển du lịch hiệu quả, bền vững như tinh thần Nghị quyết 82 đã đề ra.
Với những giải pháp quyết liệt và sự nỗ lực của toàn ngành, năm 2023, du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi tích cực: đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% so với mục tiêu ban đầu và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12-13 triệu lượt), phục hồi 70% so với mức trước dịch. Khách nội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 6% so với kế hoạch năm 2023, cao hơn mức kỷ lục 85 triệu lượt năm 2019. Tổng thu từ du lịch ước đạt 678 nghìn tỷ đồng, vượt 4,3% so với kế hoạch năm 2023.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý IV và năm 2023 của Tổng cục Thống kê, năm 2023, khu vực dịch vụ đạt tăng trưởng 6,82%, đóng góp tới 62,29% trong tăng trưởng chung của GDP. Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Du lịch thực sự là điểm sáng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tuy nhiên, du lịch vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, kinh tế thế giới phục hồi chậm, xung đột ở một số khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét… Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch toàn cầu năm 2023 phục hồi ở mức 87% so với trước dịch, tuy nhiên châu Á là khu vực có tốc độ phục hồi du lịch chậm nhất với tỷ lệ 62% do nhiều thị trường chính mở cửa muộn.
|
Theo: Trung tâm Thông tin du lịch - Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam