Người dân Hưng Yên luôn tự hào khi nhắc tới biểu tượng anh hùng: Cây đa La Tiến, nằm trên địa bàn xã Nguyên Hòa, Huyện Phù Cừ.
Theo như sử sách còn ghi lại, cùng những lời nhắc nhở về tội ác của thực dân Pháp trên tấm bia căm thù, cây đa La Tiến từ lâu đã được biết đến như một chứng nhân lịch sử bởi trong những năm kháng chiến chống Pháp đã chứng kiến biết bao sự hy sinh của quân và dân ta. Thực dân Pháp đã dùng cực hình tra tấn cực kỳ dã man, giết hại 1145 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta dưới gốc đa, trong đó có 121 cán bộ và nhân dân xã Nguyên Hòa. Cây đa La Tiến cũng chính là nơi ghi dấu chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Di tích lịch sử Cây đa và đền thờ La Tiến – Nguyên Hòa, Phù Cừ- Hưng Yên.
Người dân La Tiến- Nguyên Hòa ngày nay vẫn kể lại cho con cháu nghe những câu chuyện quanh di tích lịch sử ấy. Cụ thể, từ năm 1949 đến 1954, thực dân Pháp càn quét và đóng bốt La Tiến. Kẻ địch đã khủng bố vô cùng tàn bạo, người dân La Tiến phải đối mặt trực tiếp với quân thù, chịu đựng bao đau thương tổn thất. Một số du kích tham gia công tác giao liên địch vận không may sa vào tay địch, chúng đem vào bốt giết hoặc treo lên cành đa tra tấn cho đến chết như các chị: Đinh Thị Nhẹn, Phạm Thị Tị, Đinh Thị Mùi ở thôn La Tiến. Trong số hơn một ngàn người bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai giết hại ở La Tiến có nữ Anh hùng liệt sỹ Trần Thị Khang (tức Vũ Thị Kính quê ở xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào). Trước tội ác man rợ của kẻ thù, vào đêm 31-1-1954, bộ đội chủ lực đã phối hợp với quân dân Phù Cừ tiêu diệt bốt La Tiến, giải phóng quê hương. Từ đó đến nay, cây đa La Tiến đã trở thành biểu tượng cho sự bất khuất, kiên cường của người dân Nguyên Hòa nói riêng và người dân Hưng Yên nói chung.
Nhằm ghi nhớ công lao của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta bị sát hại tại bốt La Tiến, huyện Phù Cừ đã tiến hành xây dựng Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ bên cạnh Cây đa La Tiến, sát bên dòng sông Luộc. Năm 2015, Di tích cây đa và đền La Tiến đã được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Với niềm tự hào đó, cụm di tích này đã trở thành địa chỉ đỏ nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của cha ông. Ngày nay, khi đến xã Nguyên Hòa, thăm quan Di tích lịch sử Quốc gia cây đa và đền La Tiến, du khách sẽ được sống trong khung cảnh của một làng quê yên bình, hồn hậu. Tấm bia căm thù đứng đó sừng sững giữa đất trời, vừa nhắc nhở các thế hệ hôm nay về tội ác của kẻ thù, vừa như lời tri ân với những chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh anh dũng để bảo vệ quê hương, đất nước.
Ngô Huyền Trang