Vội trở vào nhà, hai tay bám mẹ, mắt vẫn không thôi liếc theo cái làn nhựa đỏ. Vâng, đó là cái thú khi thưởng thức quà quê mộc mạc của chúng tôi ở mảnh đất này, đặc biệt sẽ cảm nhận đuợc dư vị tinh khôi nhất khi cắn miếng bánh nguội, mềm mịn cùng với vị bùi thơm của nhân thịt xào hành khô hòa quện trong vị nước chấm chua ngọt rất vừa miệng. Vừa nhắm mắt, đầu lắc lắc 2 chiếc bím tóc thắt nơ hồng, miệng chúm chím, hít hà và luôn miệng khoe ngon với mẹ. Chắc có lẽ, với tôi lúc ấy cái thú được ăn đúng món khoái khẩu "đã" vô cùng! Bây giờ, mỗi lần ngồi thưởng thức bánh cuốn ở nơi khác, nhai nhè nhẹ rồi ngồi trầm tư, tôi lại mường tượng ra cái bữa... Buổi sớm ấy, mẹ chở tôi trên chiếc xe đạp cũ, hai mẹ con chuyện trò ríu rít về con chim sâu bắt mồi chăm chỉ, rồi lại tất bật trở về tổ mớm mồi cho đàn con thơ. Tự dưng, tôi bỗng thấy chim sâu giống mẹ quá, vòng tay bé xíu ôm lưng mẹ, miệng khe khẽ nhịp theo những âm thanh của hạnh phúc. Ồ! Đã tới chợ, dịu dàng mẹ đỡ tôi xuống, rồi nhanh chóng hai mẹ con rảo bước vào chợ Mễ. Khi ở nhà, mẹ hứa sẽ cho tôi ăn bánh cuốn nên chừng như quen thuộc, con bé líu ríu vòng qua chỗ bà bán bánh đã già lắm! Nhìn thấy hai mẹ con, bà cụ móm mém cuời hiền, tay trái lật tàu lá chuối hoặc lá sen che thúng, gỡ lá bánh ra khéo léo cuốn với nhân. Nhân bánh được người dân nơi đây lựa chọn nguyên liệu kĩ càng cùng việc cuốn bánh đòi hỏi sự khéo léo mà chẳng phải ai cũng có thể làm được. Hình dáng của bánh cũng rất đặc biệt: tròn lẳn, vừa xinh, dài khoảng một gang tay, mặt bánh trắng muốt, nhân không nhiều nhưng thơm ngon, bùi ngậy. Thường thường, từ lúc chợ họp đều đông khách đến, phần nhiều là những người cầm bát đĩa đến mua về nhà, ai đến trước mua trước, ai đến sau mua sau, có khi phải ngóng "dài cổ" đợi chờ, thành thử chưa đến lượt, lại trông thấy người ta mua về nườm nượp mà mình cứ phải ngồi thèm nhỏ nước miếng! Rồi cũng tới phiên, xoa hai lòng bàn tay vào nhau rồi thưởng thức, tôi vừa ăn vừa ngắm nhìn quang cảnh, mặc kệ sự huyên náo của khu chợ, thích thú vô cùng!
Để làm ra được những chiếc bánh, từ khâu chọn gạo, ngâm gạo, xay và tráng bánh, công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Lá bánh làm từ sáng để đến tối vẫn giữ nguyên vẹn được độ mềm, dẻo. Nguyên liệu chính của nhân bánh là thịt lợn nhưng phải là phần thịt nạc tinh. Thịt được xay nhỏ, hơi nhuyễn sau đó được xào lên cũng với hành khô, nước mắm, bột ngọt. Không nhiều màu sắc, không cầu kì hương vị thế nhưng thức quà quê dung dị ấy vẫn hấp dẫn được những thực khách khó tính nhất bởi chính sự giản đơn của nó, ăn một lần sẽ nhớ mãi. Người dân quê tôi cần cù, chắt chiu những nguyên liệu vốn sẵn có để làm ra món đặc sản thơm mát hương gạo đồng quê.
Giờ đây, khi đã trưởng thành, tóc mẹ bạc đi nhiều, vẫn luôn thắc thỏm lo cho cô "con gái nhỏ". Mẹ vẫn vun vén gửi quà quê lên mỗi khi có dịp, và chắc chắn không thể thiếu món bánh cuốn tuổi thơ với vị ngon khó cưỡng ấy. Thời gian cứ thế trôi đi, con thoi thời gian cứ lẳng lặng dệt từng "tấm áo" của cuộc sống. Điều đó đồng nghĩa với việc, sẽ có những thứ trở thành hoài niệm trong ta. Ở nơi xa, khắc khoải nhớ vị quê hương dung dị, từng chiếc bánh thấm đẫm sự tần tảo của bà, của mẹ, cả một đời lặng lẽ hy sinh, coi con cái là cả thế giới. Bầu trời kí ức ùa về tựa như một làn gió mát trong lành, mơn man, êm dịu...
Ngô Huyền Trang