Nằm cách Hà Nội khoảng 40km, làng nghề mây tre đan Liên Khê nằm ẩn mình giữa những rặng nhãn lồng - thứ quả đã trở thành thương hiệu khi người ta nhắc đến Hưng Yên. Đặt chân đến đây, bạn có thể cảm nhận được sự yên bình, mộc mạc của một làng quê đặc trưng với những con đường làng quanh co và những vườn quả sum suê, xanh tốt quanh năm.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề mây tre đan ở đây có từ những năm 90 của thế kỷ XX. Ban đầu chỉ có một vài hộ chủ yếu ở thôn Kênh Hạ tham gia sản xuất các mặt hàng phục vụ sinh hoạt. Nhưng đến nay, nghề mây tre đan đã phát triển rộng ra toàn xã Liên Khê, là công việc thường nhật của nhân dân nơi đây. Những lúc nông nhàn không phải làm việc đồng áng cũng là lúc người dân Liên Khê bắt tay vào đan lát mây tre. Ở đây, ai cũng có thể đan lát được, từ những cụ già cho đến các em nhỏ. Có lẽ bởi tình yêu với nghề và sự kiên trì gắn bó với quê hương của những người dân làng đã khiến cho nghề đan lát ở đây ngày một phát triển và tạo dựng được thương hiệu xuất khẩu. Với sự phát triển mạnh mẽ ấy, năm 2004 nghề sản xuất mây tre đan thôn Kênh Hạ được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận là làng nghề với tên gọi " làng nghề mây tre đan Liên Khê".
Song và mây là những nguyên liệu chính được người dân Liên Khê sử dụng để đan lát. Những nguyên liệu được nhập ở đây đều đã qua sơ chế. song được vận chuyển về từ các tỉnh miền Trung, còn mây sợi được mua từ trong tỉnh hoặc địa phương lân cận như Thái Bình. Từ những nguyên liệu bình dị và gần gũi ấy, người dân Liên Khê đã làm nên rất nhiều sản phẩm đan lát như khay, bình, ghế, lọ hoa, khung ảnh, giá sách...bằng những đôi bàn tay khéo léo và niềm đam mê, tâm huyết với nghề. Những sản phẩm này được xuất khẩu sang nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... và được người tiêu dùng đánh giá là mặt hàng có giá trị cao về thẩm mỹ, có tính ứng dụng và phong phú.
Để làm ra được những sản phẩm đẹp mắt đó đòi hỏi người thợ thủ công phải làm theo nhiều công đoạn. trước tiên, sản phẩm được làm theo mẫu, sau khi đan xong được tập trung tại hợp tác xã, sau đó thực hiện công đoạn nhúng keo định hình, phơi khô và sơn màu theo yêu cầu của khách hàng. Trong các công đoạn thì bước tạo dáng sản phẩm là khó nhất, yêu cầu người làm nghề phải có nhiều kinh nghiệm và khéo léo. Mỗi sản phẩm lại có một kiểu đan riêng, khoảng cách giữa các mũi kim khác nhau. Những sản phẩm đẹp có giá thành cao là những sản phẩm có thiết kế phức tạp, đan dày mắt, mũi kim đều và được chau chuốt tỉ mỉ hơn.
Điều thú vị nhất đối với du khách khi đến làng nghề mây tre đan Liên Khê là được trải nghiệm cuộc sống nơi đây. Đến đây, bạn có thể đi bộ hoặc đạp xe quanh làng dưới những răng nhãn lồng hai bên đường, tận mắt chiêm ngưỡng những đôi bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công đan lát mây tre, tìm hiểu về quy trình làm mây tre đan và tận tay trải nghiệm cách làm mây tre đan dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của những thợ thủ công lành nghề. Và những sản phẩm do chính tay bàn làm đó sẽ trở thành những món quà kỉ niệm bạn dành tặng cho những người thân yêu và bạn bè của mình.
Đến với làng nghề mây tre đan Liên Khê, bạn còn được tìm hiểu về lịch sử văn hóa của ngôi làng, tham quan cụm di tích lịch sư văn hóa cấp quốc gia đình, chùa Bối Khê - nơi tập kết của bộ đội du kích ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; thưởng thức những đặc sản quê như cá chép đầm Kênh, nhãn, vải, chuối....Chắc chắn bạn sẽ thấy tâm hồn mình tĩnh lặng và an yên sau chuyến đi trải nghiệm thú vị này.