Rộn ràng lễ hội đình Bồng Châu, xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên)
Đã thành thông lệ, vào các ngày mùng 9, 10 tháng Giêng hằng năm, người dân làng Bồng Châu, xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên) lại tưng bừng tổ chức lễ hội xuân truyền thống để tưởng nhớ công lao của các vị Thành hoàng. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, đình Bồng Châu thờ 15 vị Thành hoàng là các vị đẳng thần thời Hùng Vương và thời Hai Bà Trưng có công với nước, với dân và được các triều đại phong kiến ban sắc phong thần. Đình có kiến trúc kiểu chữ Quốc gồm 5 gian Đại bái, Trung từ, 3 gian Hậu cung và 2 dãy Giải vũ. Tại đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về mỹ thuật và lịch sử, đặc biệt là 69 đạo sắc phong của các triều Lê và Nguyễn. Đình được xếp hạng là di tích Lịch sử nghệ thuật cấp Quốc gia tại năm 1994.
Năm nay, lễ hội xuân truyền thống đình Bồng Châu thu hút đông đảo du khách thập phương tham dự, với đa dạng các hoạt động phần lễ như: Rước kiệu thánh, rước kiệu nước (5 năm mới tổ chức một một lần). Kiệu rước nước đi vòng quanh làng, sau đó đến ngã ba sông Hồng, xuống thuyền ra giữa dòng lấy nước đem về cúng tế quanh năm. Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao như: Cờ tướng, bóng chuyền, hát quan họ, kéo co…
Hòa trong dòng người náo nức trẩy hội, anh Nguyễn Văn Thắng, người dân xã Phú Cường chia sẻ: Năm nào cũng vậy, cứ đến hội đình Bồng Châu là tôi và các thành viên trong gia đình lại thu xếp công việc tham gia lễ hội, cầu mong một năm thuận hòa, may mắn, bình an…
Vào ngày 9 tháng Giêng hằng năm, ngươi dân và du khách thập phương nô nức về dự lễ hội truyền thống Đền Trà Phương, xã Hồng Vân (Ân Thi) để tưởng nhớ công lao của những bậc tiền nhân có công với dân, với nước. Đền Trà Phương còn có tên nôm là Đền Chè Nhang hoặc Đậu Chè, thờ thiên thần, thờ vọng Trần Hưng Đạo, Thành Hoàng bản thổ và các vị có công lập ấp dựng làng, chống giặc ngoại xâm... Đền được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1994. Xưa kia, vào ngày 9 tháng Giêng hằng năm, tại Đền diễn ra cúng lễ Mộc giục, thay áo tượng, tẩy sạch áo cũ của tượng để cầu phúc, lộc. Đến 8/3 âm lịch là ngày vào đám chính thức, mở hội tế rước linh đình, đốt cây bông, hát chèo, chọi gà, cờ người, leo cầu kiều... Vào ngày này, người dân trong thôn, dù đi làm ăn xa đều trở về đền thắp hương cầu phúc lộc, bình an. Vì vậy, mới có câu: “Bao giờ mồng 8 tháng 3/Cho làng vào đám, cho ta xem chèo”. Sau này, do nhu cầu lao động kịp thời vụ, thuận tiện cho người dân đi xa có điều kiện về dự hội… nên lễ hội Đền Trà Phương được tổ chức vào ngày 9 đến 11 tháng Giêng.
Ông Nguyễn Văn Đương, thành viên Ban tổ chức lễ hội Đền Trà Phương cho biết: Ngày nay, lễ hội tổ chức đơn giản, văn minh, tiết kiệm hơn nhưng vẫn bảo đảm các nghi thức truyền thống, thu hút đông đảo Nhân dân địa phương và du khách thập phương tham gia. Trong lễ hội thường có lễ cầu phúc, cầu lộc, lễ tế nước, các trò chơi dân gian, đập niêu…
Vào những ngày diễn ra hội làng, nhiều người đi làm ăn xa ở các nơi trở về địa phương, sum họp với gia đình, thắp nén hương thành kính, cùng tham gia vào các nghi lễ truyền thống… Ông Nguyễn Văn Hoàn trú quán tại thành phố Hà Nội cho biết: Là người con quê hương Trà Phương, mỗi năm, vào dịp diễn ra hội làng, gia đình tôi đều sắp xếp để về dâng lễ, bày tỏ lòng thành biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng làng, cầu mong năm mới bình an.
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 500 lễ hội truyền thống, được tổ chức từ tháng Giêng đến tháng Tư âm lịch. Nhiều lễ hội gắn với những quần thể, cụm di tích có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử như: lễ hội đền Phù Ủng (Ân Thi), lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (Khoái Châu), lễ hội Hải Thượng Lãn Ông (Yên Mỹ), lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), lễ hội đền An Xá, xã An Viên (Tiên Lữ)...
Các lễ hội được tổ chức trang trọng, đầy đủ các nghi thức truyền thống, bảo đảm tiết kiệm, văn minh, thu hút đông đảo Nhân dân địa phương và du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân, mà còn góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người có công với dân, với nước, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc của quê hương…
Theo: Dương Miền – Hương Giang - Báo Hưng Yên